“Phải giảm lợi nhuận, tài sản để xử lý nợ xấu, nếu không được thì phá sản”

Trần Giang Thứ ba, ngày 13/09/2016 16:22 PM (GMT+7)
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh xử lý nợ xấu là một quá trình, đòi hỏi nền kinh tế phải có sự tổn thất nhất định.
Bình luận 0

“Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường không thể điều chỉnh. Có nghĩa, ngân hàng phải tự xử lý và đề ra phương án xử lý nợ xấu. Trong thời gian 5 năm, nếu bán cho VAMC thì phải trích lập dự phòng rủi ro để sau 5 năm xoá được nợ xấu. Nếu trong thời gian đó mà không khắc phục được thì Nhà nước sẽ tham gia mua lại ngân hàng theo giá thị trường hoặc tự tuyên bố phá sản”, ông Kiên nhấn mạnh.

Hiện giới chuyên gia cho rằng cần phải sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, nếu không thì sẽ cứ ì ạch mãi. Quan điểm của ông thế nào?

- Xử lý nợ xấu là cả một quá trình, đòi hỏi nền kinh tế phải có sự tổn thất nhất định. Nhưng vấn đề ở đây là người ta quên một điều, trước khi Nhà nước bỏ vốn thì phải để thị trường tự điều chỉnh, đến khi thị trường không điều chỉnh được thì Nhà nước mới can thiệp. Đến bây giờ thị trường đã điều chỉnh đâu.

Thị trường điều chỉnh là phải cho phá sản những doanh nghiệp yếu kém, làm ăn không hiệu quả; hay ngân hàng cho vay vào lĩnh vực rủi ro, sai phạm thì ngân hàng phải chịu. Đối với doanh nghiệp kinh doanh rủi ro thì phải chịu, ngân hàng phải siết nợ doanh nghiệp. Sau khi siết nợ xong hết rồi, cân đối trên bảng cân đối mà còn thiếu bao nhiêu thì mới hình thành nợ xấu. Lúc đấy, nếu ngân hàng có thể trích lập dự phòng trong khoảng thời gian nào đó (3 năm chẳng hạn) là xong thì việc đấy để ngân hàng làm.

imgTS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Nếu các ngân hàng không trích lập thì không tăng được mức tín dụng để huy động thì phải giảm lợi nhuận, giảm tài sản xuống để xử lý nợ xấu. Các cổ đông của ngân hàng đấy phải chấp nhận lợi nhuận về bằng không, thậm chí có 2 – 3 năm phải âm. Đó là viêc của ngân hàng.

Đến lúc đấy, Nhà nước sẽ thông qua VAMC để xử lý nợ xấu, kiểu như bơm thêm vốn điều lệ cho VAMC để mua nợ xấu theo giá thị trường.

Khi Nhà nước can thiệp như vậy, có nghĩa các ngân hàng thương mại hay VAMC đều phải hoạt động theo nguyên tắc một doanh nghiệp bình thường, không được làm mất vốn, phải đạt được lợi nhuận.

Nếu nói đến thị trường, thì việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, có nghĩa là đã có thị trường. Các ngân hàng đang thấy sau khi tự điều chỉnh nhưng vẫn không thể tự xử lý được nợ xấu nên muốn Nhà nước hỗ trợ. Hay ông muốn nói đến việc thị trường là phải cho ngân hàng phá sản?

- Không cho ngân hàng phá sản nên mới mua ngân hàng với giá 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, GPBank, OceanBank). Nhà nước mua ngân hàng 0 đồng là đã hỗ trợ rồi. Như Ngân hàng Xây dựng hiện vốn đang âm 8.000 tỷ đồng và Nhà nước mua bằng 0 có nghĩa là Nhà nước phải bỏ thêm 8.000 tỷ đồng để cho nó cân bằng.

Như vậy có thể hiểu là Nhà nước đã chi tiền ngân sách ra để xử lý nợ xấu không?

- Không phải như vậy. Nhà nước có nhiều cách để hỗ trợ, như bằng thủ tục, ban hành quy định đặc biệt. Ví như Ngân hàng Xây dựng khi đã âm vốn thì không được vay trên thị trường 2. Nhưng trường hợp Nhà nước là chủ sở hữu thì Nhà nước quy định  Ngân hàng Xây dựng vẫn được tham gia vào thị trường 2 để mua bán bình thường trong giới hạn quy định để đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng.

Mục đích của quy định này là để dòng tiền của người gửi tiền, phát hành tín dụng được đảm bảo, không tạo sự bất ổn của thị trường tiền tệ. Chính sách này nhằm đảm bảo 8.000 tỷ đồng kia không mất đi và các ngân hàng khác cho Ngân hàng Xây dựng vay, nếu có rủi ro thì Nhà nước chịu.

Vậy trong tình huống nào thì Nhà nước sẽ chi tiền ngân sách để xử lý nợ xấu cho ngân hàng?

- Hiện nay Nhà nước đang để cho các ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Chính phủ chỉ đảm bảo thị trường tài chính không bị vỡ, giữ ổn định để ngân hàng hoạt động. Trong thời hạn 5 năm nếu ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC thì phải trích lập dự phòng rủi ro để sau 5 năm xoá được khoản nợ đấy. Đấy là sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước cho các ngân hàng thương mại.

Sau thời hạn ấy, nếu ngân hàng không khắc phục được thì buộc Nhà nước phải xử lý bằng cách mua lại theo giá thị trường (dựa trên định giá của kiểm toán quốc tế). Nếu kiểm toán quốc tế định giá ngân hàng đó bị âm vốn, Nhà nước sẽ cho ngân hàng đó một khoảng thời gian xác định để bù vào chỗ tiền âm kia. Sau 3 lần đại hội cổ đông mà không bù được chỗ âm kia thì lúc ấy hoặc là ngân hàng đó phải tuyên bố phá sản hoặc là Nhà nước sẽ mua lại với giá 0 đồng.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem