"Phản ứng" của TS. Lê Xuân Nghĩa trước dự báo "không loại trừ khả năng lãi suất điều hành tăng thêm 100 điểm cơ bản"

28/11/2022 14:56 GMT+7
Một số công ty chứng khoán dự báo, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành tới 100 điểm cơ bản trong vài tháng tới. Song, có ý kiến cho rằng, tiếp tục tăng lãi suất điều hành sẽ là quyết định "rất dở".

Không loại trừ khả năng lãi suất điều hành tăng thêm 100 điểm cơ bản

Trong báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), các chuyên gia tại đây cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản trong khoảng thời gian một tháng (23/9 đến 22/10) và cũng nới biên độ tỷ giá USD/VND (tương đương với mức phá giá 2%). Điều này một phần là do áp lực từ việc USD mạnh lên, gia tăng áp lực lên đồng Việt Nam.

Trong những tháng tới, các chuyên gia MBKE cho rằng, không loại trừ khả năng sẽ có một đợt tăng lãi suất 50 – 100 điểm cơ bản nữa ở Việt Nam. Nguyên nhân, vì Fed có thể nâng lãi suất chuẩn thêm 75 và 50 điểm cơ bản vào tháng 11 và tháng 12/2022.

Cũng theo MBKE, VND mất giá và lãi suất cao hơn gây tác động kép đối với hoạt động và tài chính của nhiều công ty trong nước, phủ thêm "mây mù" cho triển vọng của nền kinh tế trong năm tới.

Với mục tiêu nâng lãi suất của Fed là 4,5-4,75% và nguy cơ suy thoái ở Mỹ vào đầu năm tới, khối phân tích kỳ vọng ảnh hưởng của USD mạnh sẽ bắt đầu giảm bớt, giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để linh hoạt các chính sách.

MBKE kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ chấp nhận chịu một mức mục tiêu lạm phát cao hơn để theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ nửa sau năm 2023 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

"Phản ứng" của TS. Lê Xuân Nghĩa trước dự báo "không loại trừ khả năng lãi suất điều hành tăng thêm 100 điểm cơ bản" - Ảnh 1.

Công ty Chứng khoán cho rằng, không loại trừ khả năng lãi suất điều hành tăng thêm 100 điểm cơ bản.

Trước đó, trong báo cáo vừa cập nhật về ngành ngân hàng, bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán SSI cũng cho rằng, áp lực đối với tỷ giá USD/VND vẫn còn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 2 lần tăng lãi suất điều hành với biên độ lớn trong thời gian

"Chúng tôi không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có thêm một đợt tăng lãi suất nữa nhằm duy trì môi trường tỷ giá ổn định. Với quan điểm đó, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng lên, và lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh theo trong khoảng 3~6 tháng sau đó", chuyên gia SSI nhận định.

Tiếp tục tăng lãi suất điều hành là "rất dở"

Bày tỏ "bất ngờ" về những dự báo cho rằng, lãi suất điều hành có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành là "rất dở".

Vị chuyên gia này dẫn chứng, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 9%, lạm phát 3% như vậy lãi suất thực là 6%, gấp đôi lạm phát, một số trường hợp gấp 2,5 đến 3 lần lạm phát. Ngược lại, ở Châu Âu lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 3%, trong khi lạm phát 10%. Lãi suất thực âm gấp đôi lạm phát. Mỹ cũng tương tự, lạm phát Mỹ khoảng 8,5-9%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 2,5% - 3%.

"Khi lãi suất thực cao như vậy, đồng nghĩa việc đang xói mòn rất nhanh chóng nền tảng tài chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vừa lãi suất cao vừa "gánh" áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái. Nếu tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp nào chịu đựng nổi?", ông Nghĩa đặt vấn đề khi trao đổi với PV Etime.

"Phản ứng" của TS. Lê Xuân Nghĩa trước dự báo "không loại trừ khả năng lãi suất điều hành tăng thêm 100 điểm cơ bản" - Ảnh 2.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Cũng theo vị chuyên gia này, thời gian tới lạm phát cũng không còn đáng lo ngại, bởi lạm phát thế giới có xu hướng giảm. Mặt khác, mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất nhưng cường độ tăng sẽ chậm lại, tỷ giá hối đoái cũng sẽ có xu hướng giảm.

"Một phần vì áp lực lạm phát giảm dần, phần vì các NHTW các nước cũng tăng lãi suất. Tôi cho rằng, USD không thể tiếp tục đứng mãi ở đỉnh như thời gian qua. Trong trường hợp như Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng lãi suất vào thời gian tới, và điều này chắc chắn xảy ra và USD sẽ giảm giá. So với VND, cơ hội để USD tăng thêm nữa trong năm tới cũng sẽ không xảy ra vào năm 2023", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thậm chí, theo vị chuyên gia này, sự hạ nhiệt của USD là cơ hội để các ngân hàng xem lại lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Thực tế, trong tháng 11 này Ngân hàng Nhà nước đã có tới 3 lần giảm giá bán USD tại Sở giao Ngân hàng Nhà nước.

"Tỷ giá ổn định kỳ vọng sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất VND liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng", theo TS. Lê Xuân Nghĩa.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục