Phát hành trái phiếu doanh nghiệp 2020: Lãi suất đắt hơn, kỳ hạn ngắn lại

21/10/2020 11:04 GMT+7
Bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2020 đạt 9,21%/năm. Tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm dần trong năm 2020.

Chính phủ đã có báo cáo đến Quốc hội phục vụ cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Theo đó, khối lượng phát hành TPDN 8 tháng đầu năm đạt 247.011 tỷ đồng, tương đương 74,2% tổng khối lượng phát hành trong năm 2019, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 96%. Quy mô thị trường TPDN đến cuối tháng 8/2020 đạt khoảng 12,3%GDP năm 2019, tăng 13,2% so với cuối năm 2019.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại (NHTM) là các nhà phát hành lớn nhất, chiếm lần lượt 33,34% và 28,19% tổng khối lượng phát hành; doanh nghiệp dịch vụ, sản xuất và xây dựng lần lượt chiếm 12,06%, 4,6% và 3,6% tổng khối lượng phát hành.

Bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 đạt 9,21%/năm, tăng 0,37%/năm so với bình quân năm 2019 (8,82%/năm). Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 3,92 năm, giảm 0,18 năm so với bình quân năm 2019 (4,1 năm).

Trong 8 tháng đầu năm 2020, nhà đầu tư tổ chức là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 86,34% khối lượng phát hành; nhà đầu tư cá nhân chiếm 13,66%. Tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm dần trong năm 2020 (tại thời điểm cuối tháng 4/2020 là 26,8%, cuối tháng 5/2020 là 22,8%, cuối tháng 6 và tháng 7/2020 là 15%, cuối tháng 8/2020 là 13,66%).

Cập nhật số liệu 9 tháng từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2020 giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 303,8 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% tổng giá trị đăng ký phát hành trong 9 tháng. Số doanh nghiệp phát hành thành công trong 9 tháng đầu là 203 doanh nghiệp.

Trước sự tăng trưởng và phát triển "nóng" của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2019 và các tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường quản lý giám sát, có các giải pháp ứng phó cả về cơ chế chính sách và quản lý giám sát.

Theo đó, Bộ Tài chính định kỳ có các báo cáo về tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ phân tích những rủi ro tiềm ẩn và kiến nghị các giải pháp quản lý giám sát; đã tổ chức đoàn kiểm tra liên Bộ về hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính thường xuyên thông tin, tuyên truyền một cách chính thống trên các phương tiện truyền thông về hoạt động của thị trường TPDN, khuyến nghị nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư TPDN; khuyến nghị các doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ quy định của pháp luật khi huy động vốn trái phiếu, có biện pháp quản lý dòng tiền để tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết với nhà đầu tư; khuyến nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật và cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư.

PV
Cùng chuyên mục