Phía sau FBNC - doanh nghiệp vừa bị “tuýt còi” vì hoạt động báo chí không phép
Như VietTimes đã đưa tin, UBND TP. HCM vừa ra quyết định xử phạt 350 triệu đồng đối với CTCP Truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin FBNC (FBNC) về hành vi hoạt động báo chí không có giấy phép.
Trước đó, vào tháng 5/2022, FBNC cũng bị xử phạt 50 triệu đồng về hành vi cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa có giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.
FBNC cũng từng hợp tác với Đài Truyền hình TP. HCM (HTV) để thực hiện liên kết sản xuất kênh Thông tin Tài chính – Ngân hàng FBNC (Độc lập và không liên quan đến các nội dung của FBNC Vietnam đăng tải trên YouTube). Tuy nhiên, kể từ ngày 31/12/2021, FBNC và HTV đã chính thức chấm dứt việc hợp tác này.
Hiện, FBNC tập trung sản xuất và đăng tải các chương trình của mình trên các nền tảng mạng xã hội, chủ yếu trên kênh YouTube “FBNC Vietnam” với hơn 3 triệu lượt đăng ký kênh (Subscriber).
Theo tìm hiểu của VietTimes, FBNC được thành lập từ tháng 6/2007, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 16 Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Đến tháng 12/2021, FBNC chuyển trụ sở vào TP. HCM, đặt tại tầng 3 tòa nhà Crescent Residence 3, số 109 Tôn Dật Tiên, Phường Tân Phú, Quận 7. Chủ tịch HĐQT hiện nay là bà Trương Lệ Vân (SN 1949), Tổng giám đốc là ông Nguyễn Đặng Vân Lang (SN 1986).
Tính đến cuối tháng 5/2018, FBNC có vốn điều lệ 67,7 tỉ đồng. Trong đó, nhóm cổ đông sáng lập trong nước chỉ nắm giữ 13,911% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (2,632% VĐL), ông Nguyễn Phan Quang Bình (3,613% VĐL) và bà Ngô Thị Bích Hạnh (7,666% VĐL).
Ngoài ra, FBNC còn ghi nhận sự góp mặt của các cổ đông ngoại, nắm giữ 8,82% vốn, bao gồm: Công ty IDGVV29 Limited (7,758% VĐL), Panorama Investment and Consultancy Limited (0,472% VĐL), Lim Chai Yean Peggy (0,59% VĐL).
Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (tên thường gọi là BHD) được thành lập từ năm 1996 và là một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh.
Tính đến tháng 2/2019, BHD có vốn điều lệ 38 tỉ đồng, thuộc sở hữu của vợ chồng đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình – bà Ngô Thị Bích Hạnh, mỗi người nắm giữ 50% vốn. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc của BHD là bà Vũ Thị Bích Lộc (SN 1942).
BHD chính là cái tên đứng sau loạt chương trình truyền hình nổi tiếng được phát sóng trên VTV, như: Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam's Got Talent; Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol; Vua đầu bếp - MasterChef Vietnam; Cuộc đua kỳ thú - The Amazing Race Vietnam; Hãy chọn giá đúng - The Price Is Right…
Đơn vị này cũng tham gia sản xuất nhiều bộ phim truyền hình đình đám như: Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí, Đam mê nghiệt ngã, Những thiên thần áo trắng… hay loạt dự án điện ảnh lớn như Cánh đồng bất tận, Siêu trộm, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể…
Ngoài ra, BHD và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình còn tham gia vào thị trường điện ảnh với Công ty TNHH MTV Ngôi sao Cineplex BHD Việt Nam – đơn vị quản lý và vận hành hệ thống rạp chiếu phim BHD Star Cineplex; hay Công ty TNHH Hãng Phim Việt – đơn vị phát triển nền tảng xem phim trực tuyến Danet.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh – vợ của đạo diễn Quang Bình – hiện đang đứng tên đại diện cho một số pháp nhân như Công ty TNHH Tập đoàn Truyền thông Việt Nam, CTCP Giải trí BHD-MVP, CTCP Truyền thông BHD (BHD Media).
Trong đó, cơ cấu cổ đông của BHD Media từng ghi nhận sự hiện diện của IDG Ventures Vietnam., LP (IDG Ventures Vietnam), với tỉ lệ sở hữu 27,907% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, IDG Ventures Vietnam đã nhượng lại toàn bộ số cổ phần sở hữu tại BHD Media cho ST Media Entertainment Pte. Ltd (có địa chỉ trụ sở tại Singapore).
Ngoài ra, BHD Media còn có một cổ đông ngoại khác, là Panorama Investment and Consultancy Ltd, với tỉ lệ sở hữu 2,093% vốn điều lệ.
Hồi tháng 6/2016, BHD Media được tin là 1 trong số 8 đơn vị kinh doanh điện ảnh Việt Nam gửi khiếu nại tới các cơ quan chức năng phản ánh việc bị hệ thống rạp CGV chèn ép.
Theo đó, các nhà phát hành trong nước cho rằng tỉ lệ ăn chia ở mức 45/55 (CGV hưởng 55% doanh thu) là bất hợp lý khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được tỉ lệ lớn hơn nhà sản xuất – phát hành./.