Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính: Hỗ trợ nông dân vùng cao chuyển tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 26/02/2022 10:06 AM (GMT+7)
"Nếu không có quyết tâm vươn lên thoát nghèo thì dù có hỗ trợ nhiều nhưng kết quả cũng không như mong muốn. Làm sao để từng thành viên tham gia mô hình phải thực sự là chủ thể", Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính nhấn mạnh tại buổi làm việc tại xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang, ngày 25/2.
Bình luận 0

Ngày 25/2, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính cùng đoàn công tác đã khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 5/8/2019 của BCH TƯ Hội NDVN và nắm bắt tình hình Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 tại xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Báo cáo với đoàn công tác của TƯ Hội NDVN, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Yên Minh Nguyễn Văn Khu cho biết, Ngam La là xã đặc biệt khó khăn, thuộc vùng 135. Có 2 dân tộc sinh sống là Dao và Mông. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,3%.

Ông Khu bày tỏ niềm vui mừng khi đoàn công tác của TƯ Hội NDVN về thăm, làm việc tại xã Ngam La. Ông nói: "Sau hơn 13 năm công tác ở huyện Yên Minh tôi mới được chứng kiến một lãnh đạo cấp Trung ương trực tiếp làm việc với cán bộ, nhân dân và hội viên nông dân ngay tại trụ sở UBND xã".

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính: - Ảnh 1.

Ngày 25/2, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính và đoàn công tác đã thăm, làm việc với lãnh đạo, cán bộ và hội viên nông dân xã Ngam La, huyện Yên Minh (Hà Giang). Ảnh: Minh Ngọc

Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến mang lại thu nhập ổn định

Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của TƯ Hội NDVN, ông Lý Mí Nô, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngam La vui mừng thông báo, hiện nay, trên địa bàn xã đang duy trì 1 Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến với 24 thành viên tham gia. Hàng năm đã cho thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/mỗi hộ tham gia.

Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 5/8/2019 của BCH TƯ Hội NDVN, tháng 7/2019 Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến tại Chi hội thôn Tiến Hòa đã được thành lập, hoạt động trên nguyên tắc "5 cùng". Từ khi thành lập đến nay, Tổ hội luôn duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ hoặc đột xuất để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi gà.

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính: "Không quyết tâm thoát nghèo, dù hỗ trợ nhiều kết quả cũng không như mong muốn" - Ảnh 2.

Ông Lý Mí Nô, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngam La vui mừng thông báo, hiện nay, trên địa bàn xã đang duy trì 1 Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến với 24 thành viên tham gia. Hàng năm đã cho thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/mỗi hộ tham gia. Ảnh: Minh Ngọc

Đến nay, mô hình duy trình và phát triển ổn định; trung bình mỗi hộ nuôi từ 15 - 17 con gà thiến/năm; duy trì tổng đàn từ 300 - 400 con/Tổ.

Anh Lý A Ngã, thành viên Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến xã Ngam La chia sẻ: "Tham gia mô hình này, gà khi xuất bán được giá cao. Hiện gia đình tôi thường xuyên duy trì nuôi 50 con gà thiến. Dịp Tết vừa qua tôi bán gà với giá 170.000 đồng/kg, nhờ đó đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình".

Ông Lý A Đài, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến xã Ngam La cho biết, hộ có thu nhập cao nhất nhờ nuôi gà thiến lên tới 20 triệu đồng/năm, hộ ít nhất là 6 triệu đồng/năm. Tính tổng thu nhập của Tổ hội 200 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính: "Không quyết tâm thoát nghèo, dù hỗ trợ nhiều kết quả cũng không như mong muốn" - Ảnh 3.

Ông Lý A Đài, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến xã Ngam La, huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết, tính tổng thu nhập của Tổ hội 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Minh Ngọc

"Thông qua Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến, hội viên nông dân luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương", ông Đài vui mừng chia sẻ với đoàn công tác của TƯ Hội NDVN.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngam La Lý Mí Nô báo cáo với đoàn công tác của TƯ Hội NDVN, năm 2022, Hội ND xã sẽ phấn đấu tiếp tục thành lập Chi hội nghề nghiệp cải tạo, chăm sóc chè gắn với bảo vệ môi trường và Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản.

Người dân vùng cao Hà Giang đã có rau, lợn, gà, dê...để bán

Yên Minh là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, dân tộc thiểu số chiếm 90% dân số toàn huyện. Đời sống của người dân chủ yếu làm nông nghiệp và ngành nghề tự do, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, phương thức sản xuất lạc hậu, chủ yếu là tự cung tự cấp.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây người dân, hôi viên nông dân trên địa bàn huyện Yên Minh đã có nhiều thay đổi tích cực về nhận thức, cũng như phương thức sản xuất. Chia sẻ với đoàn công tác của TƯ Hội NDVN, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Yên Minh Nguyễn Văn Khu cho rằng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội NDVN, tỉnh Hà Giang đời sống của người dân đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 đã thúc đẩy mạnh mẽ, xóa đói giảm nghèo, mang lại sự đổi thay tích cực cho người dân.

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính: "Không quyết tâm thoát nghèo, dù hỗ trợ nhiều kết quả cũng không như mong muốn" - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Khu, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Yên Minh chia sẻ về những thay đổi của về tư duy, phương thức sản xuất của người dân, hội viên nông dân huyện Yên Minh đã từng bước được nâng lên. Ảnh: Minh Ngọc

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 05 - NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo một luồng "sinh khí" mạnh mẽ thúc đẩy người dân gia tăng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, biến sản phẩm trước đây là tự cung tự cấp thì nay thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

"Nếu như trước đây, người dân chỉ trồng rau, nuôi lợn, gà, dê...để phục vụ gia đình, chủ yếu là tự cung tự cấp. Thế nhưng, hiện nay họ đã biến thành sản phẩm hàng hóa, nhiều sản phẩm đặc hữu của địa phương được nâng tầm, bán với giá cao. Nhờ đó người dân đã có thu nhập cao, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo", ông Khu chia sẻ.

Về sự thay đổi này, ông Lý A Đài, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nông dân nuôi gà thiến xã Ngam La chia sẻ, các hội viên trong Tổ không chỉ đơn thuần nuôi gà thiến, mà các hộ thường xuyên học hỏi và tham gia các hoạt động nuôi trâu, nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn đã tăng thêm thu nhập cho gia đình từ việc bán tại các chợ và cho các thương lái.

Xây dựng mô hình phải gắn với việc thành lập Chi, Tổ hội nghề nghiệp

Qua khảo sát, nghe báo cáo từ địa phương, Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính đề nghị, đối với các mô hình trên địa bàn xã, Hội Nông dân xã Ngam La cần tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm. Các mô hình phải gắn với việc thành lập Chi, Tổ hội nghề nghiệp. Thông qua hoạt động của Chi, Tổ hội nghề nghiệp từng bước vận động thành lập Tổ hợp tác, HTX, đúng như tinh thần của Nghị quyết số 04 của TƯ Hội NDVN.

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN yêu cầu, ngoài việc các mô hình gắn với phương châm "5 tự, 5 cùng". Hội Nông dân xã Ngam La phải chọn các thành viên tham gia mô hình là những hộ nghèo, cận nghèo mà có quyết tâm vươn lên để thoát nghèo. "Nếu không có quyết tâm vươn lên thoát nghèo thì dù có hỗ trợ nhiều nhưng kết quả cũng không như mong muốn. Làm sao để từng thành viên tham gia mô hình phải thực sự là chủ thể", ông nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính: "Không quyết tâm thoát nghèo, dù hỗ trợ nhiều kết quả cũng không như mong muốn" - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính yêu cầu, Hội Nông dân xã Ngam La phải chọn các thành viên tham gia mô hình là những hộ nghèo, cận nghèo mà có quyết tâm vươn lên để thoát nghèo. Ảnh: Minh Ngọc

"Thông qua mô hình, sẽ nâng cao thu nhập, đời sống cho hội viên nông dân. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn lực được hỗ trợ có hiệu quả", ông nói.

Phó Chủ tịch TƯ Hội NDVN Đinh Khắc Đính gợi mở, để mô hình mang lại hiệu quả, cần gắn mô hình với việc phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn (tài nguyên đất, khí hậu, con người...) và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm.

Cùng với đó, thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn theo 3 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm của địa phương). Ông gợi mở Hà Giang nói chung và huyện Yên Minh nói riêng có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao.













Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem