Phó Thống đốc Đào Minh Tú: "Tín dụng đen gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt"

Gia Linh Thứ sáu, ngày 08/03/2019 17:24 PM (GMT+7)
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Thời gian qua, trên cả nước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội.
Bình luận 0

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay “hôm nay tại Gia Lai, chúng tôi tổ chức Hội nghị thể hiện sự quyết tâm cao hơn nữa, cả hệ thống vào cuộc để làm sao tăng cường tín dụng chính thức cho người dân, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, để ngăn chặn tín dụng đen một cách tích cực nhất”.

NHNN tích cực đẩy lùi tín dụng đen

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đen vẫn là một vấn đề hết sức nan giải và phức tạp. Bộ Công an và chính quyền các cấp vẫn đang tích cực xử lý.

“Trong tháng 2 vừa qua, chúng tôi cũng cử các đoàn đi khảo sát để nghiên cứu đánh giá ở 7 địa phương có thể xem là có tín dụng đen nhiều nhất. Chúng ta phải nhìn nhận trong tín dụng không chính thức có một bộ phận tín dụng đen.

Tín dụng đen ở đây thông thường gắn với hành vi của xã hội đen khi thu nợ với lãi suất cắt cổ. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tín dụng không chính thức. Nó là quan hệ dân sự giữa người vay và cho vay. Nếu trong lãi suất và khuôn khổ pháp lý cho phép thì những hoạt động tín dụng cũng là nhu cầu khách quan cần thiết của nền kinh tế”, ông Tú cho hay.

img 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

NHNN nhận diện đây cũng là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Đó là giải quyết nhu cầu tín dụng chính đáng khách quan của người dân nhưng không tiếp cận được tín dụng chính thức mà buộc người ta phải tiếp cận với tín dụng đen hay đúng hơn là tín dụng đen len lỏi vào tiếp cận với người dân.

“Do đó, nhiệm vụ cơ bản, quan trọng lúc này của ngành ngân hàng là làm thế nào để người dân có những nhu cầu tín dụng chính đáng, đặc biệt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu có tính chất bức thiết, đột xuất trong sinh hoạt như là khám chữa bệnh, cưới hỏi, ma chay…, có thể tiếp cận tín dụng chính thức. Nếu không làm được những điểm này thì tín dụng đen sẽ luồn lọt, lấn chiếm vào”, ông Tú nhìn nhận.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, không chỉ NHTM mà các công ty tài chính, Quỹ TDND, các tổ chức tài chính vi mô cũng vào cuộc tích cực, mạng lưới rộng khắp, tập trung cho cả khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số - những nơi dễ xâm nhập của tín dụng đen…

Trong 5 năm vừa qua tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung toàn ngành bình quân 16,4%, riêng tốc độ tín dụng cho vay lĩnh vực tiêu dùng tăng 41,2% bình quân cả nước. Có những địa phương tốc độ tăng rất nhanh, đặc biệt năm 2018. Đơn cử như TP.HCM, tốc độ tăng lên tới 50% tín dụng tiêu dùng so với cuối năm 2017, những tỉnh như Lâm Đồng tăng 56%, Thái Bình tăng 58% tín dụng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng…

img 

Toàn cảnh Hội nghị

Theo phó Thống đốc, đây là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường, phát triển kinh tế tư nhân và tập trung giải quyết không chỉ phục vụ phát triển sản xuất mà cả tiêu dùng cho người dân. Điều này cũng góp phần hạn chế hiệu quả tín dụng đen trong thời gian qua.

Dưới góc độ của NHTM, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, nhấn mạnh Agribank là công cụ của Chính phủ, NHNN ngoài hoạt động kinh doanh thì để thực hiện chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn.

Đánh giá toàn diện kết quả cho vay nông nghiệp nông thôn trong 3 năm qua, Agribank đã góp phần phát triển kinh tế xã hội và điều kiện sống của người dân. Theo ông Vượng, đó là cái lớn nhất để người dân không phải vướng vào vấn nạn tín dụng đen.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua, bà Hồ Thị Quý, Trưởng ban Hỗ trợ và Phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thừa nhận, NHCSXH và Agribank có mối quan hệ mật thiết với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trên cơ sở phối hợp giữa các bên, tổ chức Hội đã thành lập các tổ tín dụng và tổ tiết kiệm vay vốn tại các làng bản, thôn xã và từ đó tổ chức Hội tuyên truyền, vận động chị em tham gia tổ tiết kiệm và giới thiệu khách hàng cho NHCSXH và Agribank. Chính vì vậy mà tỷ lệ dư nợ vốn thông qua hai ngân hàng này hàng năm đều tăng, và tỷ lệ hoàn trả luôn luôn đạt trên 99%.

“Đối với NHCSXH thì việc tiếp cận vay vốn rất thuận lợi. Tuy nhiên, do nguồn vốn của NHCSXH có hạn mức nhất định nên đôi khi những người dân ở địa phương cần thì có thể NHCSXH không có đủ vốn để đáp ứng. Vốn NHCSXH thì phải tập trung cho đối tượng, mục tiêu cụ thể chứ không được chuyển nguồn vốn nọ sang kênh nguồn vốn kia. Theo tôi, đó là một khó khăn đối với NHCSXH”, bà Quý cho hay.

Để tín dụng đen không còn cơ hội tiếp cận người dân

Bàn về giải pháp để góp phần hạn chế tín dụng đen, ông Phạm Toàn Vượng cho biết ngân hàng đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày.

“Chúng tôi đã dành ra trong cơ cấu tín dụng hàng năm từ 20 – 30 nghìn tỷ đồng cho vay tiêu dùng. Trong đó, Agribank dành 5.000 tỷ đồng đối với những nhu cầu cấp bách dưới 30 triệu với thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Nếu không giải quyết thì có thể những khách hàng này hoặc người dân này phải vướng vào tín dụng đen.

Còn lại đối với nhu cầu trên 30 triệu, hay những nhu cầu chính đáng khác về tiêu dùng, về sản xuất thì chúng tôi đều có gần 800 điểm tại các huyện và 2.300 điểm trên toàn quốc là có thể tiếp cận trên 30 sản phẩm cho người dân”, ông Vượng cho hay.

img 

Về vấn đề này, phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để tạo điều kiện cho các NHTM mạnh dạn hơn trong cho vay. Cần có hành lang pháp lý đầy đủ cũng như trình Chính phủ có những chủ trương, chương trình tín dụng hợp lý, tích cực và có những chính sách để giao cho ngân hàng chính sách xã hội thực hiện chương trình có mục tiêu, đối tượng có điều kiện ưu đãi.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ mở rộng mạng lưới hơn nữa nhất là tới các vùng sâu, vùng xa để người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Cụ thể là đưa những mô hình tín dụng lưu động của các ngân hàng, những sản phẩm thuận lợi để người dân tiếp cận. Quan trọng nhất là NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cải tiến các thủ tục để đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận vốn dễ dàng nhất.

Cũng phải nói thêm rằng, lâu nay, NHNN và các NHTM cũng rất quyết liệt triển khai các giải pháp. Song, ông Tú cho rằng, tới đây cần sự phối hợp tích cực, vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhất là chính quyền địa phương phường xã.

 “Cái khó nhất của ngân hàng là cho vay phải thu hồi được nợ, đảm bảo hạn chế rủi ro. Do đó, ngân hàng phải biết người vay là ai, vay có phải đáp ứng nhu cầu chính đáng hay là để đánh bạc, vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, tuyên truyền đã rất tích cực. Chúng tôi cho rằng, vấn đề phối hợp tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân. Thực tế khảo sát, người dân còn e ngại tiếp cận các sản phẩm của các ngân hàng. Làm sao để người dân hiểu được và chủ động đến với các TCTD mới cần thiết.

Tôi nghĩ nếu có nhu cầu về vốn, người dân nên chủ động đến ngân hàng để vay. Thực tế không khó khăn đến mức như nhiều người nghĩ là khó khăn khi phải đảm bảo rất nhiều thủ tục. Hiện điều kiện hết sức thuận lợi, nhiều sản phẩm tín dụng đơn giản, phù hợp với các đối tượng vay”, phó Thống đốc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem