Phó Thống đốc NHNN: Vẫn cơ chế đó, bộ máy làm tín dụng như thế, lý do nào khiến tín dụng tăng chậm?

Nhóm PV Thứ ba, ngày 25/07/2023 10:26 AM (GMT+7)
Phó Thống đốc Đào Minh Tú ví von, vẫn cơ chế điều hành tiền tệ đó, vẫn con người, bộ máy làm tín dụng như thế, việc huy động vốn vẫn đặt ra thường xuyên,… các điều kiện về phía chủ quan ngành ngân hàng cơ bản không có thay đổi gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Vì sao tín dụng vẫn tăng chậm?
Bình luận 0

Ngày 25/7, Thời báo Ngân hàng tổ chức Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp".

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài…

Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế: các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro... Những diễn biến này đã khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Và đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp mặc dù NHNN và cả ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

"Nền kinh tế 6 tháng đầu năm phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức cả từ bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế, khiến cho năng lực của doanh nghiệp bị bào mòn. Tất cả những điều đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Tăng hay giảm lãi suất, cung tiền nhiều hay ít và làm thế nào để mở rộng tín dụng, hạn chế nợ xấu,... là vấn đề khó khăn và phức tạp", Phó Thống đốc thông tin.

Phó Thống đốc NHNN: Vẫn cơ chế đó, bộ máy làm tín dụng như thế, lý do nào khiến tín dụng tăng chậm? - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Cũng theo chia sẻ của ông Tú, một loạt các giải pháp NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD.

"Đến thời điểm này thanh khoản hệ thống dồi dào. Ngoài cung tiền, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tạo giá vốn rẻ như hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động, lãi suất từ các công cụ của NHNN,… Tuy nhiên với nhiều gói được triển khai nhưng tín dụng vẫn tăng chậm", ông Tú nói.

Phó Thống đốc bày tỏ thêm, giảm lãi suất nhưng ngành ngân hàng vẫn phải đảm bảo hài hòa với tỷ giá. Ông chia sẻ rằng: Nếu hạ lãi suất quá đà sẽ dẫn tới ảnh hưởng tỷ giá, ảnh hưởng niềm tin, ảnh hưởng nợ quốc gia,…

Ông Tú diễn giải "mộc mạc": Chưa bao giờ điều hành khó như 6 tháng đầu năm vừa qua. Vẫn cơ chế điều hành tiền tệ đó, vẫn con người, bộ máy làm tín dụng như thế, việc huy động vốn vẫn đặt ra thường xuyên,… các điều kiện về phía chủ quan ngành ngân hàng cơ bản không có thay đổi gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Vì sao tín dụng vẫn tăng chậm?", Phó Thống đốc đề cập và nhấn mạnh thêm, câu chuyện trước mắt lúc này là mở rộng tín dụng theo chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, NHNN cũng rất trăn trở.

Phó thống đốc NHNN: "Chưa bao giờ điều hành khó như 6 tháng vừa qua" - Ảnh 2.

Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp"

Giải pháp điều hành tín dụng, kết quả và định hướng trong nửa đầu và cuối năm 2023

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: thời gian qua công tác điều hành cũng như việc thực hiện các giải pháp của NHNN được thực hiện theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.

Theo bà Giang, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD. Song tín dụng nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Bà Giang nêu rõ, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, bà Giang cho hay: NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

"Bên cạnh các giải pháp của NHNN và ngành ngân hàng, rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương (về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV...), sự vào cuộc của các Hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động... nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra", bà Giang nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem