Dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu, chuyên gia lo ngại "bong bóng" tài sản

14/07/2023 14:06 GMT+7
Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nởi lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo "bong bóng" tài sản.

Đó là quan điểm của TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam khi đề cập tới những giải pháp kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều tổ chức hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam

Số liệu dự báo của nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế cho thấy, bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ không được thuận lợi như những năm trước. Chính vì vậy, nhiều tổ chức mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống mức thấp hơn so dự báo trước đó.

Chẳng hạn, Ngân hàng UOB (Singapore) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm 2023 của Việt Nam xuống 5,2% (từ dự báo trước đó là 6,0% và cuối năm 2022 là 8,0%); đặc biệt là quý IV/2023 sẽ rất thách thức với nền so sánh cao với cùng kỳ năm trước.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ mức 5,8% xuống còn 4,7%. VnDirect cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 5,5% trong kịch bản cơ sở vừa công bố.

Dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu, chuyên gia lo ngại "bong bóng" tài sản - Ảnh 1.

Nền kinh tế phục hồi yếu hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm. (Nguồn: UOB)

Đặt trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng.

Dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu, chuyên gia lo ngại "bong bóng" tài sản

Bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Kinh tế trưởng Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho hay, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khóa hơn, cụ thể như đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hoá.

"Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo "bong bóng" tài sản", , Kinh tế trưởng Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhấn mạnh.

Dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu, chuyên gia lo ngại "bong bóng" tài sản - Ảnh 2.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Thương

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng nhấn mạnh đến việc ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa như: đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân; Kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm VAT hàng thiết yếu.

Về chính sách tiền tệ, PGS.TS Phạm Thế Anh lưu ý, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền không quá 10%; đặc biệt, tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Dorsati Madani cũng đưa ra nhận định, một số mặt hàng xuất khẩu có thể tăng nhẹ trên nền cơ sở rất thấp, đặc biệt là trong quý IV nhờ một số hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nhờ đó, tiêu dùng cuối cùng thoát đáy và đầu tư tư nhân phục hồi nhẹ.

Đề xuất các giải pháp để kích cầu, đại diện WB cho rằng, đối với chính sách tài khóa cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục. Hiện nay, chiến lược phát triển không gian quốc gia đã được thông qua để ưu tiên những hoạt động đầu tư quan trọng, vào các vùng quan trọng và khu vực tăng trưởng.

Bà Dorsati Madani dẫn chứng, kể từ năm 2016 đến nay, Việt Nam không có dự án nào đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện. Đây là một ví dụ rõ ràng về việc Việt Nam đang tự hủy hoại tiềm năng tăng trưởng của mình.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nêu các biện pháp ứng phó với khủng hoảng, bao gồm tháo gỡ khó khăn trên thị trường tín dụng. Theo đó, để cải cách cơ cấu tín dụng trong trung hạn, cần củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.

Bà Madani nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng nhà nước cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các hạn chế mang tính cơ cấu.


H.Anh
Cùng chuyên mục