Phó Thủ tướng chỉ đạo điều hành giá các tháng cuối năm

09/09/2022 07:09 GMT+7
Sáng ngày 8/9, Văn phòng chính phủ đã có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8.

Thông báo nêu rõ thời gian còn lại của năm nay, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải chú trọng tập trung vào các biện pháp quản lý chung như: Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới; cập nhật sát tình hình cung cầu giá cả hàng hóa chiến lược trên thị trường quốc tế; đánh giá kỹ các yếu tố, nguy cơ có thể dẫn đến nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp; ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường trong nước, giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp, đảm bảo điều tiết theo giá thị trường.

Công khai giá cước vận tải

Phó Thủ tướng chỉ đạo điều hành giá các tháng cuối năm - Ảnh 1.

Các hãng vận tải phải thực hiện công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải. Ảnh: Báo Tây Ninh

Với các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như: dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistic, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền doanh nghiệp kinh doanh vận tải, rà soát chặt chẽ mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là xăng dầu. Trường hợp xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước.

Bộ Giao thông phối hợp với ban ngành có liên quan, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá… xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ phải thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo và tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước.

Theo sát diễn biến giá cả để có biện pháp bình ổn phù hợp

Với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu và có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để có những biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Trong đó, với mặt hàng vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phối hợp quản lý hiệu quả nguồn cung, cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng. Đồng thời, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, giữ hàng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý, không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

Phó Thủ tướng chỉ đạo điều hành giá các tháng cuối năm - Ảnh 2.

Các siêu thị thực hiện chính sách bình ổn giá. Ảnh: VnEconomy

Với giá lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp) được giao phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn. Phó Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Đối với phân bón và thức ăn chăn nuôi, Bộ Công Thương và các bộ, ngành được phân công nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nông nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước.

Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ để sản xuất để thay thế phân bón vô cơ, rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý.

Theo NDH
Cùng chuyên mục