Phó Thủ tướng: "Mọi học sinh phải được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý"

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 13/06/2022 21:42 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.
Bình luận 0

Áp lực lạm phát có xu hướng ngày càng gia tăng

Chiều 13/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các Bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục,…).

Phó Thủ tướng: "Mọi học sinh phải được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý" - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Ảnh: Quang Thương

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng đầu năm, áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng đã gây sức ép đến tình hình lạm phát trong nước. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với tháng 5/2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của năm tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% s với cùng kỳ 2021.

Về nguyên nhân, CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát,…

Tuy nhiên, thời gian tới, áp lực lạm phát còn cao hơn nữa. Nhất là giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như: Giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải,… Do đó, công tác điều hành giá của Chính phủ từ nay đến cuối năm rất khó khăn.

Kiểm soát chặt các mặt hàng nhà nước định giá; mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý

Đối với quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu "sát sườn" với đời sống người dân, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành từ nay đến cuối năm, phải theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường công tác dự báo, "phải dự báo sớm hơn" để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đạt mục tiêu đề ra.

Trước mắt, những hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành "phải hết sức cân nhắc, đánh giá tác động chi tiết, báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền, thì mới được tăng giá. Nếu chi phí đầu vào cao quá mà không tăng giá sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cả hệ thống. Do đó phải có phương án rất cụ thể". Còn đối với những mặt hàng doanh nghiệp tự định giá theo quy định của luật, nếu bất thường phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời.

Cho ý kiến cụ thể đối với công tác quản lý giá vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm; dịch vụ khám chữa bệnh; học phí, sách giáo khoa,…  Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực; tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập; nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.

Phó Thủ tướng: "Mọi học sinh phải được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý" - Ảnh 2.

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa. Ảnh: TL

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc diễn ra ngày 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý và trách nhiệm của các Bộ khi để giá sách giáo khoa tăng cao.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (tỉnh Hải Dương) cho rằng, theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp là các nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường.

Do vậy, theo đại biểu Ngọc Dung xảy ra một thực tế, đó là Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa, Bộ Tài chính thẩm định giá, gây ra những vấn đề liên quan đến quản lý và trách nhiệm. Đại biểu Ngọc Dung đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có chia sẻ hay giải pháp gì để giải quyết về vấn đề giá sách giáo khoa?

Về quản lý giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sách giáo khoa không phải là mặt hàng nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản.

Về quan điểm đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng nhà nước định giá, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thẩm quyền quyết định việc này là của Quốc hội. Các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình.

Hiện Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới, để Quốc hội xem xét quyết định.

Giải trình trước Quốc hội về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết thêm, thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.

Về những vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách.

Trong việc yêu cầu doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm khâu trung gian, chi phí phát hành canh tranh lành mạnh, Bộ GD&ĐT đã và đang làm, sẽ tiếp tục thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem