Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 23/09/2021 11:22 AM (GMT+7)
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ góp phần xây dựng khu vực công liêm chính, trách nhiệm, tạo dựng và duy trì lòng tin của công chúng vào bộ máy công quyền.
Bình luận 0

Phòng ngừa tham nhũng từ gốc rễ

Chiều 22/9, tại hội thảo Tập huấn ASEAN-PAC với chủ đề "Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Lý luận và Thực tiễn", Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết: Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng quan trọng được thực hiện ở các quốc gia trên thế giới.

Từ kiểm soát tài sản, thu nhập giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời cũng giúp nhận diện các xung đột lợi ích tiềm tàng và hiện hữu trong quản lý Nhà nước.

"Trên cơ sở đó, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn sẽ góp phần xây dựng khu vực công liêm chính, trách nhiệm, tạo dựng và duy trì lòng tin của công chúng vào bộ máy công quyền", Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất - Ảnh 1.

Hội thảo Tập huấn ASEAN-PAC với chủ đề "Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Lý luận và Thực tiễn". Ảnh: TTCP

Đến nay, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được đề cập trong nhiều điều ước quốc tế về chống tham nhũng, đặc biệt là tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) năm 2003. Đây cũng là biện pháp được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia, dưới những hình thức và mức độ khác nhau.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, kiểm soát tốt tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, tiến tới kiểm soát tài sản, thu nhập trong toàn xã hội là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất. Bởi lẽ, biện pháp này sẽ giúp giải quyết được một cách triệt để từ gốc rễ và ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành của tài sản, thu nhập bất minh, gián tiếp giảm tải gánh nặng rất lớn cho các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phát hiện, truy vết và thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật, để triển khai có hiệu quả hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở nhiều quốc gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thực tiễn cho thấy, có nhiều yếu tố tác động, chi phối và quyết định đến hiệu quả của công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, chẳng hạn như quyết tâm chính trị, thể chế chính trị, trình độ phát triển, khuổn khổ pháp luật, năng lực, điều kiện đảm bảo thực thi pháp luật... Ngoài ra, các yếu tố về nhận thức, tâm lý, văn hoá, phong tục, tập quán trong nhiều trường hợp, cũng trở thành những rào cản đáng kể trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đồng thời, bối cảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi hoặc chưa chuyển đổi, cũng làm phát sinh nhiều cản trở cho việc triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn khi chưa có một hệ thống thể chế kinh tế trị trường hoàn thiện và các hoạt động kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn - nơi tạo điều kiện cho tham nhũng nảy sinh và cản trở đáng kể những nỗ lực kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền.

Phải có "vac xin ngừa tham nhũng"

Trao đổi với Dân Việt, TS Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng chỉ ra rằng ở đâu cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản thất thoát, thì ở đó các vụ việc vụ án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, tiền bạc, tài sản bị thất thoát được thu hồi chiếm tỷ lệ cao.

Thời gian gần đây, công tác này đã có những chuyển biến rõ nét theo hướng không nhất thiết phải chờ Tòa án xét xử thì tài sản mới được thu hồi. Điển hình là trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG , chúng ta đã thu hồi toàn bộ tài sản thất thoát ngay trước khi xét xử. Đây là vụ án thu hồi được tài sản nhiều nhất từ trước đến nay, với tổng số tiền thu hồi là 8.845 tỷ đồng trên tổng số 8.697 tỷ đồng của vụ án.

"Mặc dù hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có gì thay đổi nhưng tại sao lại thu hồi được số tài sản lớn như vậy, đó là có sự chỉ đạo kịp thời. Chính vì vậy, một trong những bài học quan trọng nhất ở vụ án này đó là có sự chỉ đạo của Trung ương với tinh thần "rõ đến đâu xử đến đấy", "làm đến đâu thu đến đấy"", TS Đinh Văn Minh nói.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng triệt để nhất - Ảnh 4.

TS Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: D.V

TS Đinh Văn Minh cũng cho biết, đến nay chúng ta mới chỉ thu hồi tài sản thông qua bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Tức là Tòa án phải kết án một người nào đó, sau đó mới tiến hành thu hồi tài sản trên cơ sở bản án hình sự đó. Đây chính là vấn đề rất lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập, có những trường hợp người kê khai nhưng che giấu tài sản hoặc giải trình không hợp lý số tài sản tăng thêm, nguồn gốc tài sản không rõ ràng, nhưng chúng ta mới chỉ xử lý sự không trung thực ở góc độ kỷ luật cán bộ, còn số tài sản đó xử lý thế nào, thì về mặt luật pháp vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong thời gian sắp, chúng ta sẽ bàn về vấn đề này một cách thấu đáo và toàn diện để kịp thời tháo gỡ những trường hợp rất khó xử lý trong thực tế.

"Tham nhũng được coi như một thứ dịch bệnh của quyền lực và để đấu tranh với nó cần có các biện pháp thích hợp trong từng giai đoạn, giống như chống đại dịch Covid. Cùng với việc tăng cường phát hiện, truy vết và xử lý để ngăn chặn kịp thời thì biện pháp lâu dài, căn cơ là phải có "vắc xin ngừa tham nhũng", tạo ra sự miễn dịch cộng đồng, trên cơ sở nâng cao đạo đức xã hội nói chung, sự liêm chính của đội ngũ thực hiện công quyền và tạo lập một nền tảng quản trị hiệu quả, bền vững trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội", Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem