“Phố Wall” của Bình Dương cứ mưa lớn là ngập, ngành chức năng làm gì để ngăn chặn?

Văn Dũng Thứ hai, ngày 09/05/2022 10:08 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, mỗi khi trời mưa lớn là các tuyến đường, ngõ hẻm ở TP.Thuận An - địa phương được quy hoạch thành “phố Wall” của tỉnh Bình Dương - lại ngập nặng khiến nhiều phương tiện chết máy, người dân bì bõm lội nước.
Bình luận 0

Những ngày qua, một số khu vực trên địa bàn TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) xảy ra ngập nặng mỗi khi trời đổ mưa lớn. Các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều trở ngại, xe máy, ô tô bị nước ngập gây chết máy. Người dân phải bì bõm lội nước đi về nhà.

Cụ thể, tại các tuyến đường như Quốc lộ 13 đi qua địa bàn TP.Thuận An và các tuyến đường nhỏ ở phường An Phú, An Thạnh như biến thành sông khi trời mưa lớn.

Theo UBND TP.Thuận An, trên địa bàn thành phố có các điểm ngập nặng khi mưa lớn gồm đường Lê Thị Trung, Cách Mạng Tháng Tám, Quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương, đoạn phường An Thạnh; phường Vĩnh Phú). 

Clip công nhân ở phường An Phú (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) bì bõm lội nước về nhà sau giờ làm. 

Chính quyền thành phố đã triển khai làm các hồ điều tiết nhỏ ở khu vực phường Lái Thiêu, An Phú; đầu tư hệ thống thoát nước dọc ở đường Cây Me, phường Bình Nhâm và hệ thống thoát nước dọc ở đường Thuận An Hòa, Thuận Giao 21... để giảm tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn. Tuy nhiên, tình trạng ngập sau mưa vẫn còn nan giải.

Còn theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường ở TP.Thuận An bị ngập nặng khi trời mưa lớn do hệ thống thoát nước mang tính nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, một số hố ga bị bít lại (người dân tự bít để chặn mùi hôi) kết hợp với triều cường làm hạn chế khả năng thoát nước khi có mưa lớn.

Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Thuận – Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông (Sở GTVT Bình Dương) cho biết, giải pháp căn cơ chủ yếu là giải pháp công trình. 

Theo đó, Sở sẽ phối hợp tham mưu UBND tỉnh đầu tư hệ thống thoát nước liên kết trục, vùng, khu vực nâng cao khả năng thoát nước. Ông cũng cho biết, việc duy tu, bảo trì, khắc phục hư hỏng trên các tuyến đường được xem là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục góp phần kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. 

“Phố Wall” của Bình Dương cứ mưa lớn là ngập, ngành chức năng làm gì để ngăn chặn? - Ảnh 2.

Ngập nặng sau mưa lớn ở TP.Thuận An khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: V.D

Ông Nguyễn Tầm Dương – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với đặc điểm phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa cao của Bình Dương dẫn đến một số bất cập như tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt khi có mưa lớn. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng là công tác duy tu, bảo dưỡng, nạo vét kênh, rạch, các hệ thống thoát nước và công tác phối hợp quản lý đô thị chưa tốt. 

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án mới, nạo vét khơi thông dòng chảy còn hạn chế so với yêu cầu đầu tư đồng bộ. Hệ thống thoát nước dọc hai bên các tuyến đường trục chính đô thị đang bị quá tải, xuống cấp và không bảo đảm khả năng thoát nước.

“Phố Wall” của Bình Dương cứ mưa lớn là ngập, ngành chức năng làm gì để ngăn chặn? - Ảnh 3.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Ảnh: V.D

Nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, UBND tỉnh Bình Dương đề ra nhiều giải pháp, đẩy nhanh thi công, đưa vào hoạt động Kênh T4, Kênh T5B (TP Dĩ An); phối hợp với tỉnh Đồng Nai để thực hiện tuyến rạch Cái Cầu (suối Xiệp); phối hợp với TPHCM thực hiện tuyến suối Nhum.

Ngoài ra, Bình Dương triển khai xây dựng cống Bình Nhâm (TP Thuận An) có vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng cùng với hệ thống cống, đê bao An Sơn – Lái Thiêu dài khoảng 12,7km (ven sông Sài Gòn) có nhiệm vụ ngăn lũ, triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng để chống ngập cho toàn bộ vùng rộng 2.690ha. Công trình tiếp nhận tiêu thoát nước từ lưu vực thoát nước của dự án Trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn với diện tích 1.596ha.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện 4 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn TP.Thuận An với tổng kinh phí dự kiến 1.364 tỷ đồng, trong đó có cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa - Vàm Búng, cống kiểm soát triều rạch Lái Thiêu - Vĩnh Bình. Ngoài ra, nhằm xử lý nhanh các điểm ngập, Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trục thoát nước khu vực; dự án hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Sóng Thần - Đồng An và vùng phụ cận; dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp; dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn chiều dài khoảng 11,5km kênh bê tông; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa.

Tới đây, Bình Dương sẽ đầu tư Dự án nạo vét, gia cố Suối Cái từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai. Dự án dự kiến kéo dài trong 6 năm với số vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập úng, thoát nước ở các huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An. Bình Dương sẽ phối hợp với TP.HCM và Đồng Nai xử lý các tuyến thoát nước giáp ranh.

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem