Phú Thọ: Gần 1.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa, cung ứng thị trường Tết
Mặt hàng thịt lợn tham gia bình ổn thị trường đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết, đảm bảo chất lượng, số lượng và ổn định về giá. Video: Hoan Nguyễn
Theo Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, đến thời điểm này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh đã dự trữ 7 mặt hàng bình ổn thiết yếu theo nhu cầu của thị trường, gồm: Gạo tẻ, dầu ăn, đường kính, sữa, thực phẩm qua chế biến, thịt lợn, thịt gia cầm.
Trong đó có 300 tấn gạo tẻ, 150.000 lít dầu ăn, 300 tấn đường kính, 30 tấn sữa bột, 100.000 lít sữa tươi, 240 tấn thực phẩm chế biến và 200 tấn lợn hơi, 200 tấn gia cầm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết, riêng 2 mặt hàng chính là thịt lợn, thịt gia cầm, Sở đã giao kế hoạch cho một số doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi chiếm thị phần lớn trên địa bàn thực hiện chương trình bình ổn với trị giá hàng hóa dự trữ 76,5 tỷ đồng.
Mặt hàng như gạo, dầu ăn, đường, sữa, thực phẩm qua chế biến được Sở giao cho doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá thông qua các đại lý cấp I. Tổng tiền vốn dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường là 910 tỷ đồng.
Các mặt hàng trên sẽ được cung ứng cho đơn vị bán lẻ tại 13 huyện, thành, thị. Mỗi huyện, thị có từ 1-2 điểm, riêng TP.Việt Trì từ 20-25 điểm. Tổng số khoảng 50 điểm bán hàng bình ổn giá trên toàn tỉnh.
Điểm bán bình ổn sẽ được đặt tại các khu vực đông người lao động có thu nhập thấp như khu công nghiệp, chế xuất, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Về giá bán hàng hóa bình ổn thị trường do doanh nghiệp xây dựng và thực hiện đăng ký với Sở Công Thương, Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng và cùng thời điểm ít nhất là 5% (trừ giá xăng, dầu phải bán theo giá công bố của Liên Bộ Công Thương-Tài chính).
Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ phối hợp với các sở, ban, ngành theo dõi diễn biến thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đôn đốc doanh nghiệp triển khai xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa đến vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa phục vụ đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập thấp.
Cục Quản lý Thị trường tỉnh Phú Thọ tăng cường kiểm tra, giám sát về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng gây sốt giá; kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gian lận thương mại.