“Phù thuỷ già” hơn 30 năm kiếm sống bằng nghề săn chuột cống ở Hà Nội

Nhật Minh Thứ tư, ngày 06/04/2022 08:16 AM (GMT+7)
Trên một con phố nhỏ gần hồ Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), ông Thú cùng đứa cháu họ trong bộ quần áo lùng thùng, tay gậy tay vợt lùng sục trong một nhà hàng rộng lớn để bắt chuột cống theo đơn đặt hàng của gia chủ.
Bình luận 0

"Phù thuỷ già" hơn 30 năm sống bằng nghề săn chuột cống ở Hà Nội

Chuột cống - nỗi kinh hãi của người dân thành phố

Từ lâu, chuột cống đã trở thành nỗi khiếp sợ, nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân nội thành Hà Nội. Ở thành phố không có thóc lúa, ngô khoai… nhưng lại có một nguồn thức ăn béo bở dành cho lũ chuột cống từ các nhà hàng, quán ăn. Nhờ đó, chúng sinh sôi nảy nở, béo ú và dần "chiếm lĩnh" thành phố khi về đêm.

Lũ chuột cống ngày một táo tợn hơn, gặp người chúng còn chẳng sợ. Không chỉ hoạt động mạnh về đêm, giữa ban ngày lũ chuột cống còn ngang nhiên chạy đi chạy lại để kiếm ăn trên đường phố.

Nhiều người dân ở Hà Nội phải thốt lên rằng "chuột bây giờ đến người nó còn chẳng sợ huống chi là mấy con mèo cảnh". Thậm chí khi bắt gặp chuột cống, có người còn dậm chân hù dọa nhưng chúng nào đâu có sợ.

kỳ 1: "Trắng đêm" lùng sục săn chuột cống mưu sinh  - Ảnh 2.

Ông Thú với chiếc đèn pin đeo trên đầu, tay cầm gậy đi lùng bắt chuột cống.

Trong số hàng triệu người dân Hà Nội sợ loài sinh vật kinh dị này lại có một người đàn ông năm nay gần 60 tuổi, quê ở một huyện ngoại thành Hà Nội "yêu" chúng. Ông tên Thú, bất kể trời nắng hay mưa, cứ chiều đến là ông lại lên chiếc xe cà tàng đi 15 km vào trung tâm thành phố để bắt chuột cống.

Có nhiều luồng tin cho rằng, người đi bắt chuột cống ở Hà Nội để tuồn vào nhà hàng thay cho chuột đồng, làm mồi nhậu cho dân sành ăn. Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Thú thì bản thân ông bắt chuột để bán cho những người chăn nuôi rắn.

Lục tung thành phố săn chuột cống trong đêm

Một đêm mưa lạnh đầu tháng tư, người dân Hà Nội co ro trong cái rét nàng Bân. Trên một con phố nhỏ gần hồ Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), ông Thú cùng đứa cháu họ trong bộ quần áo lùng thùng, tay gậy tay vợt lùng sục trong một nhà hàng rộng lớn để bắt chuột cống theo đơn đặt hàng của chủ nhà hàng.

Thời gian vừa rồi nhiều nhà hàng phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhân viên được cho về nên cửa hàng thành nơi hoang hoá. Đây lại là môi trường tốt để lũ chuột cống tung hoành, sinh sôi nảy nở. Sau khi mở cửa trở lại, nhiều cửa hàng "phát điên" vì lũ chuột cống lộng hành nên phải tìm cách tiêu diệt.

kỳ 1: "Trắng đêm" lùng sục săn chuột cống mưu sinh  - Ảnh 3.

Hai bác cháu ông Thú bắt chuột cống ở một khu chung cư.

Trong không gian tĩnh mịch của màn đêm, lũ chuột cống bị bắt và nhốt trong một chiếc lồng sắt cắn nhau kêu chí choé. Hai bác cháu bước ra khỏi một nhà hàng sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông Thú đầu đeo chiếc đèn pin, tay cầm gậy dài khoảng 2 m, còn người cháu tay cầm chiếc vợt, bên hông đeo một lồng sắt chứa hàng chục con chuột cống to, xù xì.

Người cháu bước nhanh đến chiếc xe máy dựng ở bên ngoài cửa quán, trên yên xe có một chiếc lồng sắt cỡ lớn được chằng buộc cẩn thận. Chỉ trong chốc lát, hàng chục con chuột cống được người cháu lôi ra từ chiếc lồng sắt nhỏ đeo bên hông cho vào chiếc lồng lớn.

"Khoảng 3 ngày nay tôi mới trở lại công việc bắt chuột, thời gian rồi gia đình có nhiều biến cố lớn nên tôi tạm nghỉ ở nhà. Bây giờ mọi chuyện đã xong xuôi, mấy chủ nhà hàng này gọi nhiều quá nên hai bắc cháu thu xếp thời gian đến giúp họ bắt chuột", ông Thú chia sẻ.

kỳ 1: "Trắng đêm" lùng sục săn chuột cống mưu sinh  - Ảnh 4.

Một con chuột cống bị bắt và nhốt vào lồng sắt.

Ông Thú cho biết, một năm có 12 tháng thì 9 tháng đi bắt chuột cống, 3 tháng bắt còn lại bắt chuột đồng khi vào vụ. Ông chỉ nghỉ ở nhà khi gia đình có việc, lễ Tết lớn hoặc ốm đau bệnh tật không đi nổi.

Mọi người cứ nghĩ ai cũng có thể bắt được chuột cống, nhìn thì đơn giản nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ai không chịu được khổ, được bẩn, mùi hôi thối của cống rãnh, của rác thải để lâu ngày… và không coi lũ chuột cống là một loài sinh vật ghê tởm thì mới có thể bắt được chúng.

Một ngày đi săn chuột cống của hai bác cháu bắt đầu từ khoảng 14h chiều và kéo dài đến khoảng 2h sáng. Mất khoảng hơn 30 phút đồng hồ để đi từ nhà vào trung tâm Hà Nội, tất nhiên khi đi hai bác cháu đã xác định điểm đến. Khi đến nơi, hai bác cháu tiến hành đặt bẫy. Địa điểm đặt bẫy phải là những nơi chuột cống hay đi kiếm ăn, lối đi lại của chúng.

Chỉ vào chiếc đèn pin đeo trên trán và cây gậy đang cầm trên tay, ông Thú cho biết đó là "vũ khí" dùng để bắt chuột cống: "Anh thấy đấy, dụng cụ tôi dùng để bắt chuột cống không có gì đặc biệt".

kỳ 1: "Trắng đêm" lùng sục săn chuột cống mưu sinh  - Ảnh 5.

Chiếc lồng sắt lúc nhúc chuột.

Chiếc gậy dài khoảng 2m được dùng để đập, chọc vào những chỗ bẩn, bụi rậm mà tay tôi không không thể đưa vào. Tiếp theo là một chiếc vợt lưới, kích cỡ có thể điều chỉnh để phù hợp với từng loại mặt phẳng. Vợt lưới được dùng để úp chuột, chặn đầu lối chuột hay chạy qua. Trên vợt lưới có một miếng sắt nhọn dùng để bẻ răng chuột ngay sau khi bắt được chúng, tránh bị chuột cắn.

Đèn pin là vật dụng không thể thiếu dùng để soi sáng, ánh đèn sáng rọi trực tiếp vào mắt lũ chuột, chúng sẽ bị mất phương hướng mà đứng im, người cầm vợt chỉ việc úp nhẹ nhàng, con chuột sẽ chui vào vợt.

"Bẫy chuột là vũ khí quan trọng nhất, loại bẫy tôi hay dùng là bẫy chuột hình móng ngựa chứ không phải bẫy bán nguyệt như mọi người vẫn hay thấy. Bẫy móng ngựa có ưu điểm nhỏ hơn có hình dáng giống với móng của con ngựa. Loại bẫy này dễ dùng, mồi là miếng khoai lang hay hạt ngô, chuột chỉ cần mò vào bẫy là bị dính", ông Thú tiết lộ...

Bạn đọc đang đọc phần 1 bài: "Phù thuỷ già" hơn 30 năm kiếm sống bằng nghề săn chuột cống ở Hà Nội. Mời quý độc giả đón đọc phần 2: "Tuyệt chiêu tóm gọn 30 kg chuột cống trong 1 đêm" vào sáng 7/4/2022 trên Báo điện tử Dân Việt.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem