PVOil lỗ 538 tỷ, Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thoát âm 2.130 tỷ

27/04/2020 12:04 GMT+7
Do giá dầu lao dốc suốt thời gian qua, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thua lỗ tới 538 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ lớn nhất trong suốt các kỳ hoạt động được công bố báo cáo tài chính công khai.

Thua lỗ 538 tỷ đồng

Trong những ngày đầu năm 2020, giá dầu thế giới lao dốc báo hiệu một kỳ kinh doanh đầy khó khăn cho ngành xăng dầu Việt Nam. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) công bố kết quả kinh doanh với khoản thua lỗ cao nhất trong suốt các kỳ hoạt động được công bố báo cáo tài chính công khai.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020, trong kỳ, PVOil lỗ tới 538 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty lãi 38,2 tỷ đồng. Có nhiều yếu tố khiến PVOil rơi vào tình cảnh này. Đó là doanh thu tăng nhẹ nhưng giá vốn lại tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí và lợi nhuận khác đều đi lên.

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 738 tỷ đồng, tương đương 4,4% lên 17.686 tỷ đồng. nhưng giá vốn hàng bán tăng tới 1.273 tỷ đồng, tương đương 7,8% lên 17.620 tỷ đồng. Điều đó khiến lợi nhuận gộp giảm 535,4 tỷ đồng, tương đương 89,3%.

PVOil lỗ 538 tỷ, Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thoát âm 2.130 tỷ - Ảnh 1.

PVOil lỗ 538 tỷ, Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thoát âm 2.130 tỷ

Ngoại trừ chi phí quản lý giảm từ 207 tỷ đồng xuống 186 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí tài chính đều đi lên. Chi phí bán hàng tăng từ 393 tỷ đồng lên 430 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng từ 50,6 tỷ đồng lên 67,2 tỷ đồng. Các công ty liên kết mang về khoản lỗ 15 tỷ đồng nên hoạt động kinh doanh khiến PVOil lỗ 531 tỷ đồng.

107 tỷ đồng vẫn bị "đóng băng"

Gánh thua lỗ nặng nên tiền của PVOil hao hụt mạnh. Tại thời điểm cuối quý 1, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty giảm 1.456 tỷ đồng, tương đương 49% so với cuối năm ngoái.

Đáng chú ý chính là trong khoản 1.429 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, có 107 tỷ đồng là khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (này là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương ) bị hạn chế chi theo Chỉ thị số 600/2015/CT-TGĐ ngày 13 tháng 2 năm 2015 của Ngân hàng TMCP Đại Dương tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các tổ chức kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để tiến hành rà soát, thẩm định hố sơ thanh toán.

PVOil nhận định hiện nay, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương đã trở thành Ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% vốn. Theo đó, Ban Tổng giám đốc đánh giá và tin tưởng rằng khoản tiền gửi này sẽ được giao dịch trở lại trong thời gian tới khi có quyết định từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Nguy cơ mất trắng gần 900 tỷ đồng

Vừa thua lỗ đậm, vừa bị "đóng băng" 107 tỷ đồng, PVOil còn có thêm nguy cơ mất trắng gần 900 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý 1, PVOil có tổng nợ phải thu khó đòi lên đến 911 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 909 tỷ đồng hồi cuối năm 2019. Trong đó, giá trị có thể thu hồi được chỉ là 39,6 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa PVOil có nguy cơ mất trắng 874,4 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Dầu khí và Chất đốt Miền Bắc là "con nợ" có khả năng sinh nợ xấu lớn nhất tại PVOil. Giá trị các khoản nợ của công ty lên đến 124,2 tỷ đồng nhưng giá trị có thể thu hồi được chỉ là 0 đồng.

Đứng sau Công ty cổ phần Dầu khí và Chất đốt Miền Bắc là Công ty cổ phần ĐT và PT Xăng dầu Tiên phong với khoản nợ 118,5 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi được của khoản nợ này cũng chỉ là 0 đồng. Công ty cổ phần thương mại Vận tải Quảng Đông nợ 87,9 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ,…

Sovico thoát lỗ

Trong tháng 4 này, cổ phiếu OIL của PVOil tăng khá mạnh nhưng thị giá OIL vẫn đứng dưới mệnh giá. Chốt phiên 24/4, OIL dừng ở mức 7.700 đồng/CP, tăng 1.700 đồng/CP, tương đương 28,3%.

Trước diễn biến giá OIL, các nhà đầu tư chiến lược hụt của PVOil có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã không bước chân vào PVOil thành công. Một trong những gương mặt nổi bật là Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Năm 2018, Sovico bày tỏ tham vọng muốn sở hữu tối đa 35% vốn PVOil. Nếu thương vụ thành công, Sovico sẽ phải chi khoảng 5.000 tỷ đồng (PVOil được định giá 13.400 đồng/CP) để trở thành cổ đông chiến lược của PVOil.

Nhưng cuối cùng, thương vụ này đổ bể. Hiện tại, PVN vẫn là cổ đông lớn nhất tại PVOil với tỷ lệ nắm giữ hơn 80%. Nếu thương vụ kể trên thành công, thì giá trị đầu tư của Sovico đã bốc hơi tới 42,5%, tương đương 2.130 tỷ đồng.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục