Quan chức Bắc Kinh: "Gói hỗ trợ kinh tế của PBOC hiệu quả gấp 10 lần FED"

13/04/2020 06:00 GMT+7
Các ngân hàng Trung Quốc đã bơm hơn 1 nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính chỉ trong quý I/2020 trong nỗ lực hồi sinh nền kinh tế “tê liệt” do nhiều tuần phong tỏa vì đại dịch Covid-19.
Quan chức Bắc Kinh: "Gói hỗ trợ kinh tế của PBOC hiệu quả gấp 10 lần FED" - Ảnh 1.

“Hiệu quả (của các gói hỗ trợ) ở Trung Quốc cao gấp 10 lần FED” - quan chức ngân hàng Sun Guofeng tuyên bố.

Những biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh mới đây đã được một quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC nhận định “hiệu quả gấp 10 lần so với Washington”.

Cụ thể, trong một cuộc họp tại Bắc Kinh hôm 10/4, ông Sun Guofeng, tổng giám đốc chính sách tiền tệ tại PBOC tuyên bố mỗi 1 CNY bơm vào hệ thống tài chính tạo ra khoản vay ngân hàng gấp 3,5 lần để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình. Ông Sun Goufeng so sánh với Mỹ, chỉ ra rằng Mỹ đã bơm 1,6 nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính nhưng chỉ tạo ra 500 tỷ USD khoản vay mới. “Hiệu quả (của các gói hỗ trợ) ở Trung Quốc cao gấp 10 lần FED” - ông Sun tuyên bố.

Ông Sun nói thêm rằng FED tuyên bố giảm lãi suất cơ bản về mức 0-0.25%, nhưng lãi suất thương phiếu của Mỹ - được coi là lãi suất thực cho các doanh nghiệp - chỉ giảm 0,17%. Điều này đồng nghĩa với việc hành động cắt giảm lãi suất của FED không hiệu quả như người Mỹ tưởng tượng.

Bình luận của Sun Guofeng được đưa ra vào thời điểm ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đang bị chỉ trích không hành động tích cực để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, nhất là ít thực hiện cắt giảm lãi suất - vốn là biện pháp được các ngân hàng Trung Ương ưa thích nhất để kích thích nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Nhờ các đợt bơm thanh khoản liên tục, tín dụng cho vay hàng quý của Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại trong quý I/2020 dù Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc vẫn duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, không vội vàng cắt giảm lãi suất cơ bản về 0 như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Các khoản vay ngân hàng mới trong quý I/2020 đạt tổng cộng 7,1 nghìn tỷ CNY (tương đương 1,01 nghìn tỷ USD), tăng mạnh từ mức 5,81 nghìn tỷ CNY cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu thống kê của PBOC.

Chỉ tính trong tháng 3, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 2,85 nghìn tỷ CNY (tương đương 410 tỷ USD), cao hơn cả ước tính bình quân 1,8 nghìn tỷ CNY của Bloomberg. Hồi tháng 2, khoản vay mới của các ngân hàng cũng đạt 905,7 tỷ CNY.

Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại S & P Global nhận định việc cắt giảm lãi suất có xu hướng mang lại nhiều tác dụng hỗ trợ nền kinh tế hơn là biện pháp nới lỏng định lượng (QE) - tức biện pháp bơm thanh khoản thông qua mua tài sản chứng khoán từ thị trường tài chính - mà các ngân hàng trung ương như FED đang tiến hành. Nguyên nhân là bởi việc cắt giảm lãi suất cơ bản ảnh hưởng đến lãi suất tất cả các kỳ hạn vay từ ngắn hạn (1 ngày) đến trung hạn (1 năm) và dài hạn (10 năm). Do đó, rất nhiều doanh nghiệp đi vay sẽ được hưởng lợi. Nhưng nới lỏng định lượng QE chủ yếu tác động đến lãi suất cho vay dài hạn, do đó số doanh nghiệp hưởng lợi hạn chế hơn rất nhiều.

Về phần mình, các quan chức PBOC khẳng định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho đến nay là đúng đắn. Ông Zhou Xuedong, phát ngôn viên của PBOC tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 10/4 rằng: “Đánh giá nội bộ của chúng tôi cho thấy các khoản bơm thanh khoản từ tháng 1 đến nay nhìn chung là phù hợp… Tăng thanh khoản quá nhiều có thể mang lại nhiều rủi ro như dư thừa tiền mặt…”

Thay vì hỗ trợ toàn diện nền kinh tế, PBOC đã tập trung hỗ trợ các thành phần, khu vực dễ bị tổn thương vì đại dịch Covid-19 nhất như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ… Bắc Kinh cũng chuyển trọng tâm ưu tiên từ theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang ngăn chặn thất nghiệp hàng loạt.

Tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội (TSF) bao gồm các khoản vay bằng CNY từ ngân hàng, các khoản vay ngoại tệ, vay tín chấp, hối phiếu được ngân hàng chấp nhận, trái phiếu doanh nghiệp và cả số tiền thu được sau các đợt phát hành trái phiếu và cả khoản vay ngân hàng bóng tối đã nhảy vọt lên 11,08 nghìn tỷ CNY trong quý I, tăng mạnh so với mức 88,18 tỷ CNY cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 3, tổng cung tiền trong nền kinh tế tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,3% so với tháng 2 và vượt qua dự báo tăng 8,8% của thị trường.

Cục thống kê quốc gia dự kiến sẽ sớm công bố dữ liệu GDP quý I trong tuần sau. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kinh tế Louis Kuijs từ Oxford Economic nhận định cú sốc cầu trong và ngoài nước sẽ gây áp lực nặng nề lên sự phục hồi kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục