Quảng Bình: Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, ngân hàng và ngư dân đối mặt với nợ xấu

31/08/2019 07:06 GMT+7
Chính sách cho vay theo Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn ra biển lớn để đánh bắt và giữ vững chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắt và nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời thì hệ lụy nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.

Ngư dân với nỗi lo trả nợ

Sinh ra và lớn lên ở làng biển thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, từ nhỏ anh Nguyễn Thế Lưu (sinh năm 1982), đã sớm theo bố mẹ ra khơi đánh bắt cá. Lớn lên anh cũng theo nghề đánh bắt thủy hải sản. Bao năm lênh đênh trên biển cũng như bao ngư dân làm nghề này, anh mong muốn có chiếc tàu vỏ thép công suất lớn để vươn khơi, đánh bắt ở ngư trường nhiều cá.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được đánh giá là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo cú hích đối với ngành thủy sản.

Cuối năm 2016, anh Lưu vay 14 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), phần còn lại anh vay mượn anh em trong nhà để đóng tàu vỏ thép công suất 1.000 CV. Năm 2016, chiếc tàu với tổng kinh phí 21 tỷ của anh được hạ thủy.

Anh Nguyễn Thế Lưu với nỗi lo trả nợ ngân hàng.

“Trên tàu có từ 6-8 nhân công với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Thời gian đầu, tàu cá đi khai thác thủy sản liên tục, trúng mùa thì mỗi tháng kiếm cũng được 500 - 600 triệu/tháng và số tiền thu được tôi vẫn trả lãi ngân hàng đầy đủ…”, anh Lưu nói.

Thế nhưng, đi vào hoạt động chưa được bao lâu, trong một lần ra khơi khai thác, ngày 6/7/2019 tàu của anh bỗng nhiên bốc cháy, thế là bao nhiêu vốn liếng của gia đình anh cũng mất hết. “Không biết bao giờ mới trả hết khoản tiền đã vay của ngân hàng. Hiện tôi đang ở nhà chờ nhận tiền bảo hiểm chi trả để trả nợ cho ngân hàng. Buồn lắm các anh chị ạ...”, anh Lưu trăn trở.

Cũng theo anh Lưu, hiện hồ sơ của tôi đã gửi cho đơn vị bảo hiểm, đang chờ được giải quyết. Vì thế, thời gian tới, rất mong được phía công ty bảo hiểm, các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết kịp thời hồ sơ để tôi có thể đóng lại tàu mới rồi tiếp tục vươn khơi bám biển...

Không chỉ riêng anh Lưu, mà còn nhiều ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 tại đây cũng đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi từ đầu năm 2019 đến nay, những chuyến đi biển chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ra khơi thì lỗ còn để tàu nằm bờ ngày nào chịu lãi ngày ấy.

Anh Nguyễn Thế Lưu chia sẻ với cán bộ ngân hàng Agribank và phóng viên về những khó khăn của gia đình anh cũng như các chủ tàu khác đang gặp phải.

Ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Tại địa phương và các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, khi tham gia đóng tàu đều đóng tàu nghề vây. Từ khi đi vào hoạt động đánh bắt đến nay, nghề vây bị mất mùa, đánh bắt không hiệu quả, nên nhiều ngư dân không có nguồn thu để trả nợ. Từ đầu năm đến nay, nhiều tàu nằm bờ vì nhiều lý do khác nhau như: Ngư trường thủy sản cạn kiệt, thời tiết không thuận lợi, không có nhân công đi biển…Trong khi chi phí lại cao, do vậy mà các chủ tàu không có nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng”.

Được biết, ra đời cách đây hơn 4 năm, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, nay là Nghị định 17/2018/NĐ-CP được đánh giá là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu thuyền phục vụ khai thác hải sản xa bờ có giá trị kinh tế cao, tạo cú hích đối với ngành thủy sản. 

Ngân hàng lo về nợ xấu

Theo Chương trình cho vay của Nghị định 67, ngư dân được vay vốn từ 10 - 18 tỷ đồng để đóng mới tàu cá. Sau hơn 4 năm, nhiều tàu cá đã ra khơi với kỳ vọng mang lại lợi nhuận từ các chuyến đi biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có lãi nhưng vẫn không đủ trả nợ cho ngân hàng. Bởi chi phí cao, lãi ngày càng gia tăng, cả ngân hàng và ngư dân đối mặt với nợ xấu rất lớn.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Quảng Bình tích cực triển khai trong công tác thu hồi và xử lý nợ.

Một trong những đơn vị tiên phong cho vay theo Nghị định 67, Agribank Chi nhánh Bắc Quảng Bình đã ký hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá cho 34 tàu. Số tiền là 345.569 triệu đồng; trong đó, giải ngân thực tế 345.214 triệu đồng (đạt 99% số tiền cam kết cho vay). Đến nay, số tiền mà ngân hàng đã thu nợ được mới chỉ ở mức 99.071 triệu đồng; dư nợ là 297.026 triệu đồng, trong đó, tổng dư nợ có nợ cơ cấu: 150.627 triệu đồng, nợ xấu 54.090 triệu đồng, chiếm 18,21% dư nợ cho vay theo NĐ 67 và có xu hướng phát sinh tăng. 

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bắc Quảng Bình, cho hay sau quá trình triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hồi nợ. Bên cạnh những nguyên nhân bị vướng mắc về chính sách tín dụng, bảo hiểm, hay khó khăn do đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường… thì tình trạng đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện hiện tượng chủ tàu có tư tưởng coi Chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ. Vì thế, chủ tàu cố tình chây ỳ, không trả nợ, chờ ngân hàng xoá nợ…

Các chủ tàu đang trầm tư với khoảng nợ ngân hàng ngày một tăng.

Từ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế nêu trên, Agribank Bắc Quảng Bình đã có văn bản trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xem xét có cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro riêng đối với những khoản nợ vay theo Nghị định 67 bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Bên cạnh đó, đề nghị NHNN xem xét đề xuất với Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng và các chủ tàu trong trường hợp các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ...

Mặt khác, các địa phương tiếp tục tuyên truyền để các chủ tàu hiểu rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước, thực hiện đúng cam kết với ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xử lý và thu hồi nợ đối với các trường hợp chủ tàu chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm…

 

Diệu Bình - Trần Hậu
Tags:
Cùng chuyên mục