Quảng Bình: Dịch Covid-19 ập tới, tàu 67 nằm bờ rỉ sét, ngư dân không biết lấy tiền đâu trả nợ

Trần Anh Thứ tư, ngày 06/10/2021 14:33 PM (GMT+7)
Tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 nằm bờ, rỉ sét, ngư dân ôm đống nợ là thực trạng xảy ra nhiều năm nay và khi dịch Covid-19 ập đến, ngư dân đóng tàu cá 67 còn khổ hơn, không có việc làm để trang trải cuộc sống.
Bình luận 0

Trò chuyện với PV Dân Việt, ngư dân Ngô Xuân Cảnh (SN 1975, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Tôi đóng tàu cá theo Nghị định 67 từ năm 2016 với giá thành hơn 17 tỷ, trong đó, vay nợ ngân hàng 16 tỷ đồng. Đóng xong, tàu 67 của tôi ra khơi được mấy chuyến gặp ngay cơn bão số 3 vào năm 2017 khiến lưới đánh cá hỏng hết, từ đó tàu tôi đắp chiếu nằm bờ".

Clip: Ngư dân đóng tàu cá 67 ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về khó khăn trong mùa dịch,

"Đến năm 2020, tôi đánh liều vay thêm 2 tỷ đồng sắm lại ngư lưới cụ để đi biển. Mấy chuyến đầu, tàu đánh bắt được nên thu lãi cao, đến nay thì hoạt động cầm chừng, ra khơi một vài chuyến nhưng đều lỗ nặng", anh Cảnh nói.

Cũng theo ông Cảnh, dịch Covid-19 ập đến khiến giá dầu tăng, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi cao. Đặc biệt, vì lo sợ dịch bệnh nên cá đánh bắt về không ai đến thu mua, ông thua lỗ nặng. Hiện, ông Cảnh vẫn chưa trả lãi cho ngân hàng về khoản vay đóng tàu cá theo Nghị định 67.

Quảng Bình: Ngư dân đóng tàu cá 67 ôm đống nợ, sống vật vã giữa mùa dịch - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 xảy ra ở Quảng Bình, ngư dân Ngô Xuân Cảnh (ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) phải ở nhà cả tháng nay, không có việc làm, chiều muộn ra ngắm tàu tỏ rõ sự buồn bã. (Ảnh: Trần Anh)

"Tôi đi biển hơn 30 năm rồi, chưa thấy lúc nào ảm đạm như năm nay. Dịch bệnh khiến đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn, ra khơi không đủ tiền bù lỗ, ở nhà không có việc làm, tiền nợ đóng tàu 67 cũng bỏ đó không biết khi nào mới trả", ngư dân Cảnh thở dài.

Cũng giống như ông Cảnh, ông Hoàng Quang Trung (SN 1968, trú tại thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có thâm niên hơn 30 năm làm nghề đi biển. Tưởng rằng Nghị định 67 hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu vỏ thép sẽ thay đổi cuộc đời nhưng khi nhận tàu về và hoạt động được một năm thì ông Trung vỡ mộng, ôm đống nợ.

Quảng Bình: Ngư dân đóng tàu cá 67 ôm đống nợ, sống vật vã giữa mùa dịch - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quang Trung (ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đứng bên tàu cá của đóng theo Nghị định 67 đã nằm bờ hơn 4 năm nay. (Ảnh: Trần Anh)

Ông Hoàng Quang Trung, cho biết: "Tôi nhận tàu từ cuối năm 2016 với nguồn vốn vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Năm đầu tiên tàu ra khơi đều, nhiều chuyến có thu nhập nhưng cũng bù vào việc sửa đầu máy. 4 năm trở lại đây, tàu hư hỏng và không thuê được thuyền viên nên chủ yếu nằm bờ, nếu ra khơi cũng sẽ lỗ chứ không lời, nợ chồng thêm nợ".

Theo ông Trung, từ năm 2019 đến nay, tàu QB-91586-TS của ông mới chỉ một lần ra khơi nhưng chuyến đi đó lỗ 100 triệu đồng. Gia đình ông đang nợ ngân hàng gần 15 tỷ đồng và không có tiền trả lãi hàng tháng nên dẫn đến nợ xấu.

Quảng Bình: Ngư dân đóng tàu cá 67 ôm đống nợ, sống vật vã giữa mùa dịch - Ảnh 3.

Nhiều bộ phận trên tàu cá vỏ thép của ông Hoàng Quang Trung đã bị rỉ sét, xuống cấp nặng. (Ảnh: Trần Anh)

"Tàu cá nằm bờ mấy năm nay tôi lấy tiền đâu trả nợ vay ngân hàng. Thất nghiệp rồi dịch Covid-19 xảy ra khiến cuộc sống của gia đình tôi vất vả hơn. Nơi tôi sống đang giãn cách, ra khỏi nhà cũng không dám, nói gì đi làm kiếm tiền trả nợ", ông Trung nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đồng Vinh Quang – Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho biết: "Trên địa bàn xã có 3 tàu cá đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, hiện 1 tàu đã bị cháy, 2 tàu còn lại hoạt động cầm chừng. Dịch Covid-19 ập đến, ngư dân không dám đi biển vì mỗi chuyến ra khơi chi phí dầu đèn cao, đi về không ai mua nên thua lỗ nặng, nhiều tàu cá để đó, nằm bờ".

"Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đóng mới 88 tàu cá, trong đó có 31 tàu vỏ thép. Từ khi nhận tàu, đa số các tàu vỏ thép hoạt động cầm chừng, chỉ có một số tàu hoạt động nhưng không có hiệu quả", ông Lê Ngọc Linh – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem