Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt”

06/07/2022 17:05 GMT+7
UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ.

Dự hội nghị có lãnh đạo Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đại Lộc và các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương.

Kết quả ấn tượng

Được biết, chặng đường 20 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Trung ương đã được huyện Đại Lộc triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng. Các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng chính sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, hạn chế tín dụng đen trên địa bàn huyện.

Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hảo (thứ 5 từ trái sang) – Bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Trần Hậu.

Tổng nguồn vốn cho vay đến 31/5/2022 đạt 454.303 triệu đồng, tăng so với khi mới đi vào hoạt động là 436.908 triệu đồng, gấp 26 lần. Trong đó: Vốn cân đối từ Trung ương là 373.443 triệu đồng, tăng 356.048 triệu đồng, gấp 21 lần so với khi mới đi vào hoạt động; vốn huy động tiền gửi, tiết kiệm số dư đạt 62.019 triệu đồng.

Huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn số dư đạt 24.408 triệu đồng, tiền gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân đạt 37.611 triệu đồng; vốn ủy thác ngân sách tỉnh 15.327 triệu đồng; vốn ủy thác ngân sách huyện 3.514 triệu đồng.

Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt” - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, Thành viên Ban đại diện NHCSXH tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà huyện Đại Lộc đã đạt được trong 20 năm qua. Ảnh: Trần Hậu.

Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư ra đời, được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND-UBND hàng năm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (năm 2014 vốn ngân sách huyện chuyển qua có số dư là 500 triệu đồng đến 31/5/2022 là 3.514 triệu đồng).

Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt” - Ảnh 3.

Vốn tín dụng chính sách đã đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân huyện Đại Lộc thoát nghèo bền vững. Ảnh: Trần Hậu.

Đến 31/5/2022, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể các chương trình cho vay gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hộ nghèo xây nhà phòng tránh bão lũ, cho vay nhà ở xã hội, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt” - Ảnh 4.

Vốn tín dụng chính sách, "bệ phóng" để nông dân huyện Đại Lộc đổi đời. Ảnh: Trần Hậu.

Tổng dư nợ đến 31/5/2022 là 392.236 triệu đồng, tăng so với cuối năm 2003 là 21 lần về dư nợ, với số tuyệt đối tăng là 374.841 triệu đồng, hiện nay với 9.985 hộ có dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,034% giảm so với năm 2003 là 5,136%. Doanh số cho vay 20 năm là 1.044.754 triệu đồng, doanh số thu nợ 20 năm là 666.647 triệu đồng.

Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt” - Ảnh 5.

Được NHCSXH huyện Đại Lộc tiếp vốn, chị Nguyễn Thị Phi Anh 38 tuổi, ở thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh đã xây dựng được mô hình trồng nấm các loại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Hậu.

Vốn các chương trình tín dụng được đầu tư trải đều trên địa bàn 18 xã/thị trấn, nguồn vốn tập trung cho hộ vay sử dụng chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, buôn bán,...

Tiếp tục tiếp vốn cho các đối tượng chính sách

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Hảo – Bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc cho biết: Qua theo dõi báo cáo tổng kết và tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy nhận thấy, 20 năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc quán triệt, triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 16/01/2015 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;

Các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng, từng bước khẳng định vai trò của tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn phát triển của huyện trong giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt” - Ảnh 6.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ tại huyện Đại Lộc. Ảnh: Trần Hậu.

Thay mặt Ban Thường vụ Huyện ủy, ông Nguyễn Hảo đã cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Ban đại diện, Ban Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh đối với huyện Đại Lộc, biểu dương vai trò, trách nhiệm và kết quả đã đạt được của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, tập thể Phòng giao dịch NHCSXH, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, các cấp, các ngành có liên quan trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trong thời gian qua.

Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 28,5% vào năm 2006 đến nay còn 1,97%, tỷ lệ hộ cận nghèo đến nay còn 2,6%. Giải quyết việc làm cho hơn 3.096 lao động, góp phần xây dựng gần 17.300 công trình vệ sinh và nước sạch, và cho vay giúp gia đình nghèo, cận nghèo và khó khăn có tiền trang trải chi phí học tập cho gần 9.347 em học sinh - sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng, nhiều ngôi nhà tạm của hộ nghèo được xóa,...

Quảng Nam: 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, Đại Lộc “hái quả ngọt” - Ảnh 7.

Cán bộ NHCSXH huyện Đại Lộc luôn tận tình hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất. Ảnh: Trần Hậu.

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.

Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, Thành viên Ban đại diện NHCSXH tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà huyện Đại Lộc đã đạt được trong 20 năm qua. Từ đó, góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển đi lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao và bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. 

Bà Tâm nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà huyện Đại Lộc cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới, đó là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước cho các đối tượng thụ hưởng để nâng cao hiệu quả vốn vay; nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách về giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhằm giúp hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả.

Cũng trong dịp này, UBND huyện Đại Lộc đã tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2002 - 2022.

Trần Hậu - Đoàn Hồng
Cùng chuyên mục