Mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp, người xuất ra thị trường nửa tấn nấm hàng tháng, kẻ bỏ túi hàng trăm triệu mỗi năm

05/03/2022 09:11 GMT+7
Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về nguồn vốn giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn.

Mỗi tháng xuất ra thị trường 500kg nấm

Ông Võ Tấn Lũy – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thị xã Điện Bàn cho biết, những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã giúp cho nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn để mở rộng quy mô hoạt động, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nhờ có vốn tín dụng chính sách tiếp sức thanh niên xứ Quảng mạnh dạn về quê khởi nghiệp, làm giàu - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thị xã Điện Bàn mà hàng nghìn hộ dân đã xây dựng được các mô hình kinh tế trồng nấm, nuôi bò..., nhờ đó đã thoát nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Ảnh: T.H.

Đặc biệt, thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp sức cho nhiều thanh niên trẻ khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Chương ở xã Điện Thắng Nam với mô hình trồng nấm bào ngư; chị Lê Thị Hương ở phường Vĩnh Điện với mô hình sản xuất bột ngũ cốc Hương Bột…

Đến thăm mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Chương (33 tuổi) ở thôn Phong Lục Tây, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, được anh cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế, anh có thời gian dài làm việc tại tỉnh Gia Lai và nước bạn Campuchia. Không muốn sống cảnh xa gia đình, năm 2017 anh quyết định về quê hương khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm bào ngư.

Nhờ có vốn tín dụng chính sách tiếp sức thanh niên xứ Quảng mạnh dạn về quê khởi nghiệp, làm giàu - Ảnh 2.

Được vốn tín dụng chính sách "tiếp sức", anh Nguyễn Chương, ở xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được mô hình trồng nấm các loại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Hậu.

Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông, anh bắt đầu tìm tòi trên mạng xem các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, anh Chương đặc biệt ấn tượng với mô hình trồng nấm bào ngư vì đây là loại nấm dễ trồng, dễ tiêu thụ.

Ban đầu do vốn ít, nên anh chỉ sản xuất khoảng 2.000-3.000 bịch phôi nấm, mô hình trồng nấm ngày càng phát triển ổn định, cho năng suất. Thấy mô hình phát huy hiệu quả anh đã vay 50 triệu đồng của NHCSXH thị xã Điện Bàn để mở rộng quy mô sản xuất.

Nhờ có vốn tín dụng chính sách tiếp sức thanh niên xứ Quảng mạnh dạn về quê khởi nghiệp, làm giàu - Ảnh 3.

Với mô hình trồng nấm bào ngư và bán bịch phôi nấm anh Chương đã thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Trần Hậu.

Đến nay, mỗi năm anh Chương sản xuất hơn 60.000 bịch phôi nấm theo hình thức gối đầu. Hiện mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng 500kg nấm các loại, với giá bán giao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, ngoài ra anh còn sản xuất bịch phôi nấm bán cho bà con nông dân, với khoảng 300.000 bịch phôi nấm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí anh Chương lãi hơn 300 triệu đồng.

Anh Chương chia sẻ thêm, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay anh nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất lớn từ chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Điện Thắng Nam. Đặc biệt, là nguồn vốn NHCSXH thị xã Điện Bàn đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho anh mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất nấm.

Nhờ có vốn tín dụng chính sách tiếp sức thanh niên xứ Quảng mạnh dạn về quê khởi nghiệp, làm giàu - Ảnh 4.

Mỗi năm anh Chương sản xuất hơn 60.000 bịch phôi nấm theo hình thức gối đầu. Ngoài ra, anh còn bán bịch phôi nấm cho các hộ sản xuất. Ảnh: T.H.

Theo anh Chương, nhiều nông dân trẻ như anh ban đầu khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn. Anh thấy NHCSXH có chính sách ưu đãi cho vay đối với các đối tượng chính sách như anh là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Giúp họ có nguồn vốn để xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, qua đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tiếp tục tiếp vốn cho nông dân làm giàu

Một mô hình khác hiệu quả không kém đó là mô hình sản xuất bột ngũ cốc của chị Lê Thị Hương (31 tuổi) ở phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Chị Hương chia sẻ: Năm 2020 chị vay 100 triệu đồng của NHCSXH thị xã Điện Bàn để mở rộng cơ sở sản xuất bột ngũ cốc của gia đình. Đến nay, quy mô nhà xưởng có diện tích 300m2, chủ yếu sản xuất các sản phẩm bột ngũ cốc, các loài trà, muối sả ớt…

Nhờ có vốn tín dụng chính sách tiếp sức thanh niên xứ Quảng mạnh dạn về quê khởi nghiệp, làm giàu - Ảnh 5.

Chị Lê Thị Hương ở phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã mạnh dạn mở rộng cơ sở sản xuất bột ngũ cốc các loại, nhờ được NHCSXH thị xã Điện Bàn tiếp vốn. Ảnh: T.H.

Chị Hương cho biết, trung bình mỗi năm Cơ sở sản xuất Hương Bột cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí chị lãi gần 300 triệu đồng. Có được thành công như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, chị còn được hậu thuẫn rất lớn từ nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH thị xã Điện Bàn.

"Nhờ NHCSXH thị xã Điện Bàn đã giúp tôi có được nguồn vốn để mở rộng cơ sở sản xuất, vốn tín dụng chính sách thật sự là "bệ phóng" để tôi và nhiều thanh niên trẻ vững tin khởi nghiệp, từng bước vươn lên làm giàu…", chị Hương phấn khởi nói.

Nhờ có vốn tín dụng chính sách tiếp sức thanh niên xứ Quảng mạnh dạn về quê khởi nghiệp, làm giàu - Ảnh 6.

Chị Hương lãi gần 300 triệu đồng/năm nhờ mô hình sản xuất bột ngũ cốc các loại. Ảnh: T.H.

Ông Lũy cho hay, những thanh niên trẻ khởi nghiệp đã làm chúng tôi rất ấn tượng, ngoài việc làm kinh tế giỏi họ còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định.

Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đã tập trung cho vay theo các chương trình, như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường…

"Thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Điện Bàn để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình, nhất là ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn để phát triển sản xuất. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...", ông Võ Tấn Lũy – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn cho hay.

Đến 31/12/2021 tổng nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đạt 489.653 triệu đồng, tăng 63.289 triệu đồng so với năm 2020, tốc độ tăng 14,8%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 377.891 triệu đồng; nguồn vốn địa phương là 17.492 triệu đồng; nguồn vốn huy động là 94.270 triệu đồng. Tổng dư nợ là 395.383 triệu đồng, tăng 30.043 triệu đồng so với đầu năm 2021, tốc độ tăng 8,2%.

Trần Hậu - Đình Thiên
Cùng chuyên mục