Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ bảy, ngày 09/07/2022 13:21 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân, phong trào xây dựng NTM ở huyện Thăng Bình – tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Bình luận 0

Hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, cũng giống như các huyện của tỉnh Quảng Nam, huyện Thăng Bình bắt tay vào triển khai xây dựng NTM từ năm 2011. Thời điểm đó, xuất phát điểm của huyện còn thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất chưa bài bản; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của các cấp chính quyền, Thăng Bình đã có bước thăng tiến vượt bật.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Thăng Bình tập trung hoàn thiện hạ tầng tạo "đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Trần Hậu.

Đến nay, huyện Thăng Bình có 17/20 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 85%; bình quân đạt 18,25 tiêu chí/xã; có 21 thôn được UBND huyện công nhận đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu; 6 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM. Còn 3 xã còn lại đăng ký lộ trình đạt chuẩn NTM năm 2022 là Bình Lãnh, Bình Quế, Bình Nam.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình trao đổi với phóng viên. Ảnh: Trần Hậu.

Đổi thay rõ nét nhất tại Thăng Bình là cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng động bộ, đã tạo động lực cho Thăng Bình phát triển toàn diện. Đến nay, Thăng Bình có 957,9km đường giao thông nội đồng đã được nhựa hóa, bê tông hóa trên 803,5km, đạt tỷ lệ 83,9%, có 18/20 xã đạt tiêu chí giao thông.

Hệ thống kênh mương cấp 1,2 là 203km, đã bê tông hóa được 157,5km; hơn 500km kênh mương nội đồng, đã kiên cố được 121km; diện tích tưới chủ động bằng hệ thống tự chảy chiếm tỷ lệ 80% so với tổng diện tích canh tác.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Trường học tại các xã của huyện Thăng Bình được đầu tư khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Điện lực đã đầu tư xây dựng hơn 324km đường dây trung áp, 591km hạ áp; trên 337 trạm biến áp; điện sinh hoạt, sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; hiện nay có 19/20 xã đạt tiêu chí điện. Toàn huyện có 65/70 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 92,86%.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Nhờ trồng rau sạch mà hàng trăm hộ dân ở làng Hưng Mỹ (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo để vươn lên. Ảnh: Quang Việt.

Cơ sở vật chất văn hóa, đến nay đã thành lập 20 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; có tổ chức bộ máy, biên chế tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân; có 85/98 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt chuẩn; về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn có 20/20 xã đạt tiêu chí.

Thông tin và truyền thông luôn được chú trọng, hiện nay có 98/98 thôn có hệ thống loa truyền thanh cơ sở, nhờ đó thông tin đã đến được với đa số người dân nông thôn, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân luôn được quan tâm.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Bình Lãnh là một trong 3 xã còn lại của huyện Thăng Bình đăng ký về đích xã NTM trong năm 2022. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Nguyễn Tấn Thiện – Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết, Bình Lãnh là xã miền núi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ Chương trình NTM mà Bình Lãnh đang "thay da đổi thịt" từng ngày, đó là thành quả với sự nỗ lực không ngừng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà.

"Bình Lãnh là một trong 3 xã còn lại đăng ký về đích xã NTM của huyện Thăng Bình năm 2022, đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí NTM, từ nay đến cuối năm, xã tiếp tục rà soát, xây dựng các tiêu chí chưa đạt, quyết tâm về đích xã NTM theo đúng lộ trình đề ra…", ông Thiện cho hay.

Thăng Bình hướng đến huyện NTM

Trong xây dựng NTM, huyện Thăng Bình đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, Thăng Bình đã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Phát huy thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế gia - trang trại đã giúp cho người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Hậu.

Thăng Bình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, xây dựng các cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật được nhân rộng và có sức lan tỏa khá lớn trong nhân dân. Việc áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hoạt động khoa học công nghệ được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu sức lao động.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Sản phẩm nước mắm Cửa Khe Hai Hiền là một trong 4 sản phẩm của huyện Thăng Bình đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết thêm, Thăng Bình có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn và kinh tế gia - trang trại, nhờ đó đời sống của bà con nông dân ở các vùng quê ngày càng khởi sắc lên.

Theo số liệu tổng hợp, tổng số vườn hiện có (các vườn cơ bản đã có các hoạt động/mô hình sản xuất) trên toàn huyện đạt khoảng 8.814 vườn, với tổng diện tích vườn khoảng 920ha. Toàn huyện có 21 trang trại, kinh tế vườn, kinh tế trang trại hiện nay phát triển ổn định, giải quyết hàng nghìn lao động có việc làm cho lao động nông thôn.

Quảng Nam: Hoàn thiện hạ tầng, Thăng Bình tạo sức bật xây dựng nông thôn mới - Ảnh 7.

Thăng Bình phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Trần Hậu.

Các mô hình chăn nuôi bò lai, trâu nhốt bán thâm canh, chăn nuôi gà thả vườn, thả đồi, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt, mô hình trồng nấm rơm, nấm dược liệu, trồng tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu,... phát triển rộng khắp trên địa bàn các xã/thị trấn.

Kinh tế nông thôn được quan tâm, đẩy mạnh đã góp phần mang lại sinh kế cho người dân. Nhiều mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được xây dựng, nhân rộng, mang lại giá trị cao và thu nhập bền vững cho người dân. Toàn huyện đã phát triển được tổng số 24 sản phẩm OCOP, cùng nhiều nông sản tiêu chuẩn an toàn, VietGAP…

Mục tiêu giai đoạn 2022-2025:

Thăng Bình đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến cuối năm 2025 có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đầu đến cuối năm 2025 có thêm 26 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2023 đến 2025; phấn đấu đến năm 2025 phát triển thêm 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem