Quảng Nam: Kinh tế số giúp người nông dân nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP

Ngọc Thọ - Đoàn Hồng Thứ năm, ngày 06/04/2023 14:30 PM (GMT+7)
Huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó chú trọng vận động người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất tận dụng sức mạnh của công nghệ số để quảng bá thương hiệu, mở rộng giao thương đối với các sản phẩm truyền thống, sản phẩm công nghiệp nông thôn và đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Lợi ích rõ rệt từ chuyển đổi số

Khu nhà xưởng rộng hơn 500m2 sản xuất bánh dừa nướng của Công ty TNHH SXTM Quý Thu ở xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn). Sản phẩm này đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và đã có mặt tại hầu hết 63 tỉnh thành trong cả nước. Theo chị Lưu Thị Thu giám đốc công ty cho biết, từ khi áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh thì sản phẩm được tiêu thụ rất mạnh trên thị trường.

Quảng Nam: Kinh tế số giúp Quế Sơn nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Chuyển đổi số đã giúp cho các sản phẩm OCOP của huyện Quế Sơn (Quảng Nam) nâng tầm. Ảnh: Ngọc Thọ.

Hiện tại doanh nghiệp đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử voso.vn, portmart.vn, shopee, lazada và các trang mạng như zalo, facebook để quảng bá tới khách hàng trong nước.

Nhờ sự tiện lợi của kinh tế số nên sản lượng hàng hóa bán ra của công ty mỗi tháng đạt khoảng 30 tấn với doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay công ty Quý Thu đang tập trung ứng dụng công nghệ số vào khâu quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường nước ngoài để hướng đến xuất khẩu.

Quảng Nam: Kinh tế số giúp Quế Sơn nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Châu (bên phải) - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn chia sẻ với phóng viên về công tác chuyển đổi số của địa phương. Ảnh: Trần Hậu.

"Trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ số thì việc bán hàng rất khó khăn, chậm trễ. Khi mà chuyển đổi số rồi thì sản phẩm bánh dừa nướng xuất hiện trên các sàn thương mại nên được nhiều người biết đến. Cái lợi lớn nữa là người mua đa phần họ đặt hàng và thanh toán trực tuyến nên giúp công ty giảm chi phí lưu thông, phân phối để ổn định giá cả tăng tính cạnh tranh", chị Thu cho biết.

Quảng Nam: Kinh tế số giúp Quế Sơn nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Chuyển đổi số giúp cho khách hàng rất nhiều hữu ích, như thanh toán nhanh hơn, lựa chọn được nhiều mặt hàng.... Ảnh: Ngọc Thọ.

Còn đối với hộ kinh doanh của ông Đồng Phước Tào ở xã Quế Phú thì từ ngày thực hiện chuyển đổi số đến nay, cơ sở được mở rộng, doanh số bán hàng luôn ở mức cao. Ông Tào cho biết, cơ sở chuyên kinh doanh lúa, gạo, nếp, ngô, sắn...

Ban đầu hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn như phải trực tiếp đến các đại lý, khách hàng để ký hợp đồng cung ứng hàng hóa, ghi hóa đơn.... Tiếp đến phải thanh quyết toán theo cách truyền thống bằng giấy tờ nên tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức. Thậm chí đôi lúc còn bị chậm trễ, ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở gây nguy cơ giảm lượng khách hàng.

Tuy nhiên, từ khi tận dụng lợi ích của chuyển đổi số để áp dụng vào khâu kinh doanh, ông Tào cho biết việc triển khai các dịch vụ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của khách hàng thông qua hình thức ký, thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn điện tử, thanh toán qua tài khoản nên rất tiện lợi, nhanh chóng và đảm bảo tính an toàn cao.

Quảng Nam: Kinh tế số giúp Quế Sơn nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử voso.vn, portmart.vn, shopee, lazada và các trang mạng như zalo, facebook để quảng bá tới khách hàng trong nước. Ảnh: Ngọc Thọ.

"Chuyển đổi số được quá nhiều tiện ích cho việc kinh doanh của gia đình tôi. Mấy năm trước tôi chỉ bán hàng quanh quẩn trong tỉnh Quảng Nam thôi. Nhưng từ khi áp dụng kinh tế số thì thị trường đã cung cấp đến các tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh Tây nguyên. Mỗi năm gia đình bán được hơn 7.000 tấn nông sản, giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương với mức lương từ 5 đến 7 triệu/ tháng", ông Tào chia sẻ.

Tiếp tục chuyển đổi số hướng đến toàn diện

Theo UBND huyện Quế Sơn cho biết, đến nay toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và tạo được thương hiệu có tính cạnh tranh cao như kẹo đậu phộng Ngọc Hải, nếp đắng Lộc Đại, khoai chà Quế Mỹ, bánh quế dừa Quế Xuân, phở gạo Ánh Dương, bánh dừa nướng Quý Thu, phở sắn Caromi...

Quảng Nam: Kinh tế số giúp Quế Sơn nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

Sản phẩm phở sắn Caromi của anh Dương Ngọc Ảnh (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) đã vươn ra thế giới nhờ chuyển đổi số. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Kinh tế số giúp Quế Sơn nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Hầu hết các sản phẩm này được đưa lên sàn thương mại điện tử voso.vn, portmart.vn để giao thương với khách hàng. Đặc biệt, chương trình khởi nghiệp, lập nghiệp - sản phẩm OCOP gắn liền với chuyển đổi số được huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt, thu hút đông đảo người dân, hộ sản xuất và doanh nghiệp tham gia. Hiện đã có 14 dự án khởi ngiệp áp dụng chuyển đổi số đang triển khai.

Thông qua sức mạnh của nền tảng số, đã giúp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại hóa sản phẩm dễ dàng, không phải tốn thời gian, chi phí để tiếp thị sản phẩm như trước đây. Hơn nữa khi thực hiện các giao dịch thương mại trên môi tường số hóa còn giúp rút ngắn thời gian, chi phí in ấn và đảm bảo độ an toàn cao hơn cách giao dịch truyền thống như trước đây.

Quảng Nam: Kinh tế số giúp Quế Sơn nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP - Ảnh 7.

Gà tre luộc ăn cùng với rau răm và muối tiêu chanh, đặc sản truyền thống của huyện Quế Sơn. Ảnh: amthucquangnam.

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết: "Việc ứng dụng công nghệ số đối với lĩnh vực khởi nghiệp giữ vai trò quan trọng hàng đầu hiện nay và được huyện triển khai thực hiện rất mạnh mẽ. Chúng tôi chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp để ứng dụng vào thực tiễn. Bằng mọi giá chúng tôi quyết tâm thực hiện công cuộc chuyển đổi số để đem lại lợi ích cho nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội".

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, Quế Sơn đang hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống sang môi trường kinh tế số hiện đại, tiện ích. Qua đây sẽ tăng cường đưa sản phẩm đặc trưng đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tăng doanh thu để tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy  thương mại vùng nông thôn phát triển không ngừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem