Quảng Nam: Nghệ nhân sún răng biến thứ cả làng vứt vạ vứt vật thành những "tuyệt tác" trông rất là ngầu

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ tư, ngày 03/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Tiếng hát nghêu ngao, âm thanh lốc cốc của dùi đục từ một góc công viên Kazik (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã thu hút rất đông sự chú ý của du khách thập phương về gian hàng của ông Huỳnh Phương Đỏ. Người được biết đến với tài năng điêu khắc tượng từ gốc tre.
Bình luận 0

Thổi hồn vào gốc tre

"Đỏ điên" hoặc "Đỏ tre" là những biệt danh mà mọi người dành cho nghệ nhân điêu khắc tượng tre Huỳnh Phương Đỏ (49 tuổi, trú phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Bởi chính sự lựa chọn táo bạo, đã khiến ông vấp phải không ít gièm pha và cũng từ đó gặt hái được những thành công lớn.

Quảng Nam: Gặp nghệ nhân "Đỏ tre" với hơn 20 năm biến gốc tre thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị - Ảnh 1.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ gắn bó với nghệ thuật điêu khắc tre hơn 20 năm.

Kể về cơ duyên với nghề tạc tượng tre, ông Đỏ tâm sự: "Nếu không tận mắt chứng kiến trận lũ lịch sử miền Trung năm 1999, thì chắc tôi không có sự nghiệp như ngày hôm nay. Bởi khi nhìn thấy những gốc tre trôi dạt vào bờ, tôi chợt lóe lên ý nghĩ sẽ thử tạc nên những hình dáng khác nhau từ nó. Dám nghĩ dám làm, tôi nhặt gốc tre - thứ củi trôi dạt vào bờ sông về tạc tượng. Điều này khiến nhiều người cho rằng đầu óc tôi có vấn đề, còn vợ thì nghĩ tôi bị điên".

Quảng Nam: Gặp nghệ nhân "Đỏ tre" với hơn 20 năm biến gốc tre thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị - Ảnh 2.

Gian hàng điêu khắc gốc tre của ông Đỏ tại công viên Kazik được nhiều du khách quan tâm.

Ông Đỏ vốn là một người thợ của làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An), nhưng mưu sinh bằng nghề điêu khắc gỗ không đủ sống, ông phải làm thêm nhiều nghề khác để phát triển kinh tế. Khi vận dụng tay nghề thợ mộc vào điêu khắc tượng tre, ông gặp không ít trở ngại nhưng vẫn luôn cố gắng rèn luyện, trau chuốt kỹ năng và không ngừng sáng tạo để thành công.

Quảng Nam: Gặp nghệ nhân "Đỏ tre" với hơn 20 năm biến gốc tre thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị - Ảnh 3.

Nụ cười của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ cho biết, điêu khắc gỗ dễ làm hơn vì nó có quy tắc tỷ lệ cơ bản, còn đối với tạc tượng tre thì khó hơn nhiều và tùy thuộc vào tay nghề của mỗi người. Điều quan trọng nhất là người thợ phải tạo được cái hồn cho mỗi gốc tre, phân chia bố cục hài hòa để làm nổi bật nét đẹp của một tác phẩm nghệ thuật từ lũy tre làng.

Quảng Nam: Gặp nghệ nhân "Đỏ tre" với hơn 20 năm biến gốc tre thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị - Ảnh 4.

Ông Đỏ mất khoảng 2 giờ để hoàn thiện một sản phẩm.

"Ban đầu tôi chỉ nghĩ đục tượng tre chơi cho vui, nhưng về sau nhận thấy nghề này rất thú vị và đem lại nguồn kinh tế ổn định nên dốc hết tâm huyết để đầu tư. Tôi lặn lội mua gốc tre từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, thuê xe chở về cả 1 núi, nhiều người thấy vậy tỏ ra rất khó hiểu vì không biết tôi sẽ làm được gì từ thứ củi tre cho không ai thèm lấy", ông Đỏ bộc bạch.

Cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc tre

Để hoàn thành một tượng tre điêu khắc thủ công là một quá trình không hề đơn giản và rất công phu. Ông Đỏ phải tìm mua gốc tre già ở nhiều nơi, vùng đất thịt và đất sét thì gốc tre cứng cáp, rễ ngắn, vùng đất cát thì rễ tre dài, nhiều gai. Sau khi được đào lên, gốc tre được tách tạo dáng, ngâm trong bùn 9 tháng, tiếp tục vớt lên làm sạch và phơi nắng trong khoảng 10 ngày để gốc tre cứng hơn và không bị mối mọt.

Quảng Nam: Gặp nghệ nhân "Đỏ tre" với hơn 20 năm biến gốc tre thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị - Ảnh 5.

Những gốc tre mộc mạc được du khách mua về làm quà khi đến với Hội An.

Vừa đục đẽo tre vừa hát, ông Huỳnh Phương Đỏ chia sẻ: "Hình ảnh cây tre đại diện cho văn hóa lịch sử và con người Việt Nam, nên khi tôi tạc tượng gốc tre cũng mong muốn thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt qua hình ảnh những nhân vật tâm linh như: Phúc – Lộc – Thọ, Quan Âm Bồ Tát, Thổ Địa, Thần Tài, Bồ Đề Đạt Ma….

Bên cạnh việc điêu khắc chân dung các nhân vật lịch sử, tâm linh, danh nhân nước ngoài, thì ông Đỏ còn rất khéo tay trong việc đục truyền thần (tạc tượng chân dung người thật). Trung bình mỗi gốc tre ông hoàn thành trong 2 giờ (tùy vào độ khó), nhưng cũng có những sản phẩm kỳ công ông mất hơn 1 tháng để hoàn thiện.

Quảng Nam: Gặp nghệ nhân "Đỏ tre" với hơn 20 năm biến gốc tre thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị - Ảnh 6.

Ông Đỏ chụp hình lưu niệm với khách du lịch.

Tại phố cổ Hội An, gian hàng trưng bày và điêu khắc sản phẩm thủ công từ gốc tre của ông Đỏ luôn nhận được nhiều sự quan tâm, khen ngợi của du khách thập phương. Đặc biệt là những vị khách nước ngoài luôn tỏ ra hứng thú khi được tự tay "hô biến" một gốc tre thành sản phẩm có hồn cốt, có sức sống.

Trước khi có dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày ông Đỏ bán hơn 20 gốc tre điêu khắc, giá dao động từ 350.000-400.000 đồng/chiếc (loại thường). Nhiều đơn hàng đặt làm theo yêu cầu được xuất bán ở TP Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, HCM…. Nhờ đó ông có mức thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.

Quảng Nam: Gặp nghệ nhân "Đỏ tre" với hơn 20 năm biến gốc tre thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị - Ảnh 7.

Gốc tre điêu khắc mang ý nghĩa văn hóa Việt, lan tỏa tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Sau khi kinh tế chung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông đã hạ giá xuống còn 100.000-150.000 đồng/chiếc với mong muốn chia sẻ những khó khăn và hi vọng lan tỏa được nụ cười trong cuộc sống.

Chia sẻ lý do để hàm răng sún, ông Đỏ vui vẻ nói: "Khi tôi mới nổi tiếng với nghề điêu khắc gốc tre, thì nhiều khách Tây đến tham quan và đặt hàng theo yêu cầu. Sau này họ giới thiệu cho bạn bè nhưng vì không nhớ tên tôi, không biết địa chỉ nhà, nên cứ chỉ nhau là hãy đến phố cổ Hội An, tìm ông nào răng sún thì là người làm tượng tre. Vì thế dù "dư sức" để trồng răng mới, nhưng tôi vẫn giữ hàm răng sún để tạo cho mình một chút ấn tượng riêng…".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem