Quảng Ngãi: Mạch nha, cá bống Sông Trà, bò khô… và còn những đặc sản nào được “gắn sao” OCOP?
Nhiều đặc sản "gắn sao" OCOP
Ông Nguyễn Lâm – Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết: "Chương trình OCOP thành phố Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhờ đó, quá trình triển khai Chương trình OCOP đạt những kết quả tích cực, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
"Hiện nay, tổng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi là 58 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 54 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi nói chung và thành phố nói riêng, như: Mạch nha Quảng Ngãi đường Mantoza, Bò khô Thu Ba, Chả cá chiên cô Sang, Surimi – Chả cá chuồn Thương, Chả mực Kitasea, Đường phèn và Đường phổi Bằng Lắm, Nước mắm Sơn Mỹ, Cá bống Sông Trà Phi Yến, Bánh tráng Nhật Linh, Mật ong sạch NANI, Nước mắm nhĩ Ome Sa Huỳnh, Yến tinh chế cao cấp Culaore, Kẹo gương Kim Ngọc..." – Ông Lâm cho biết.
Bà Võ Thị Thu Vân – Trưởng phòng Kinh tế thành phố Quảng Ngãi cho hay: Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP, thành phố ưu tiên phát triển các sản phẩm thế mạnh về nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Đây là giải pháp nền tảng giúp địa phương thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xúc tiến quảng bá, hướng đến xuất khẩu
Ông Lâm cho biết thêm, thông qua Chương trình OCOP, thời gian qua thành phố luôn khuyến khích các chủ thể sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, sản vật, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất – tinh thần của người dân.
Đặc biệt, địa phương ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu đặc trưng, sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, liên kết theo chuỗi giá trị... góp phần phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, thành phố tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, tem điện tử thông minh (QR Code)... nhằm tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, xác lập chỗ đứng trên thị trường
Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, thành phố Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của thành phố thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, các trang thương mại, hội chợ, triển lãm, hội nghị... Nhất là thúc đẩy tham gia các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)...
Thành phố cùng các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, đánh giá chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định của Trung ương; rà soát các sản phẩm OCOP đang được thị trường đón nhận để hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các sản phẩm của địa phương, của tỉnh, cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm, lan tỏa thương hiệu sản phẩm OCOP đi xa hơn, đồng thời hướng đến xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Lâm – Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng các sản phẩm tiềm năng thành sản phẩm OCOP. Các xã ven biển ưu tiên phát triển và nâng hạng các sản phẩm từ biển như chả mực, chả cá, nước mắm...; các xã ven đô tập trung phát triển các sản phẩm như rau, củ, quả, các loại thịt động vật, gia cầm...; các phường nội thành phát triển và nâng cấp các sản phẩm truyền thống như rượu, đường, bánh, kẹo....