Đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, câu chuyện sản phẩm nâng cao giá trị OCOP

Trương Hồng
02/04/2025 08:59 GMT +7
Đối với chủ thể OCOP tham gia các đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ra nước ngoài cần được lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng, sản phẩm phù hợp với thị trường, mục đích chuyến đi và cần có sự luân phiên để nhiều chủ thể được tham gia…

Ngày 2/4, nguồn tin cho biết, sau cuộc họp với các sở, ngành về thực hiện chương trình OCOP năm 2025 của tỉnh Quảng Nam và sau khi nghe đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh báo cáo tình hình, tiến độ triển khai chương trình OCOP năm 2025 và ý kiến phát biểu của các Sở, ngành liên quan.

Quảng Nam có 386 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Trần Anh Tuấn kết luận và nhấn mạnh, qua hơn 7 năm (2018 - 2025) triển khai, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 386 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 191 sản phẩm hết hạn, có 3 sản phẩm thu hồi chứng nhận OCOP, 299 sản phẩm còn hạn (gồm 274 sản phẩm 3 sao, 23 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao).

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cùng Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính trong một lần tham quan các sản phẩm OCOP tại hội chợ nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Nam. Ảnh: T.H

“Qua việc tham gia chương trình, nhiều chủ thể đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng hồ sơ tự công bố, xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy. Những kết quả đạt được trong thực hiện chương trình thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống tỉnh Quảng Nam và đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh”, kết luận nêu rõ.

Quảng Nam có 386 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: T.H

Kết luận còn nhấn mạnh, bên cạnh những mặt đạt được, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình như, vẫn còn một số địa phương thiếu sự quan tâm, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình.

Một số bộ phận cán bộ, chủ thể OCOP vẫn chưa hiểu hết về chương trình OCOP, đối tượng, nội dung chương trình; năng lực sản xuất của nhiều chủ thể còn hạn chế nên việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô đầu tư đáp ứng nhu cầu thị trường còn khó khăn, chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các sản phẩm tương tự từ địa phương khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng giới thiệu sản phẩm OCOP với lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được nhiều cơ quan thực hiện nhưng còn phân tán, chưa phân rõ trách nhiệm và nội hàm của sản phẩm được xúc tiến nên dẫn đến chồng chéo, kém hiệu quả; một số chủ thể OCOP chưa chủ động, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước về xúc tiến thương mại, tiếp cận, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; việc xây dựng hình ảnh, câu chuyện sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chưa được các chủ thể quan tâm, chú trọng,…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP năm 2025 theo kế hoạch đề ra; UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung bám sát kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2025, rà soát các nội dung để điều chỉnh thời gian triển khai hợp lý nhằm sớm hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó lưu ý về thời gian triển khai đánh giá, phân hạng và công nhận hạng sao OCOP cấp huyện, cấp tỉnh.

Sản phẩm OCOP ở Quảng Nam đa dạng và phong phú, nhiều sản phẩm đạt từ 2, 3 đến 4 sao. Ảnh: T.H

Đối với Sở Nông nghiệp và Môi trường (Cơ quan thường trực Chương trình OCOP), UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu và làm tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực chương trình OCOP.

Làm đầu mối, thường xuyên theo dõi chung tình hình thực hiện chương trình để chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP trong thực hiện chu trình OCOP, nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của chủ thể OCOP cũng như bất cập trong quá trình thực hiện chương trình để có giải pháp khắc phục nhằm thực hiện hiệu quả chương trình thời gian đến.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, đối với chủ thể OCOP tham gia các đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ra nước ngoài cần được lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng, sản phẩm phù hợp với thị trường, mục đích chuyến đi và cần có sự luân phiên để nhiều chủ thể được tham gia…

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương chuẩn bị tốt nội dung, chương trình và các điều kiện để tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 trong tháng 6/2025; đồng thời, chủ động nghiên cứu, xây dựng đề án và cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2026-2030 để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn chủ thể sớm hoàn thiện hồ sơ sản phẩm đảm bảo điều kiện để trình Trung ương xét, công nhận OCOP 5 sao đối với Đèn lồng Hội An.

Sản phẩm OCOP của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H

“Về công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đề nghị các Sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện đảm bảo quy định, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, làm việc với Sở Công Thương, các đơn vị liên quan có thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP để kiểm tra, rà soát lại các nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, đơn vị trong năm 2025 và bàn bạc, thống nhất để có đề xuất điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình, tránh trùng lắp, chồng chéo trong công tác xúc tiến thương mại.

Đối với chủ thể OCOP tham gia các đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ra nước ngoài cần được lựa chọn đảm bảo đúng đối tượng, sản phẩm phù hợp với thị trường, mục đích chuyến đi và cần có sự luân phiên để nhiều chủ thể được tham gia; về lâu dài nên nghiên cứu theo hướng xã hội hóa…”, kết luận nhấn mạnh.