Quảng Ngãi: "Sóng ngầm” trong cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Bài 1)

31/07/2023 16:12 GMT+7
Đầu tư tiền chục tỷ mua phương tiện và đưa vào hoạt động mà chưa kịp thu hồi đủ vốn, thế nhưng để thu hút khách, đáp ứng nhu cầu đi lại cho du khách khi Lý Sơn trở thành “thiên đường du lịch biển”, các chủ tàu phải “bấm bụng” bỏ neo bờ, để “tậu” tàu mới hiện đại, chạy nhanh hơn.

Trừ dịp tết và lễ, hiện khách ra đảo Lý Sơn chỉ từ 800-1000 lượt người/ngày/đầu bến, nhưng số lượng phương tiện thì không dừng tăng lên; giữa các doanh nghiệp hoạt động cùng tuyến bất đồng trong sắp xếp phiên, chuyến…đã và đang tạo ra sự cạnh tranh theo kiểu "yếu thì chết" trong hoạt động kinh doanh vận tải khách của tuyến này.

Cuộc đua tốc độ và những con tàu ma.

Nhiều năm qua, được neo xen lẫn với tàu đánh cá của ngư dân tại cảng An Hải, huyện Lý Sơn, là những chiếc tàu khách vỏ sắt, đang vật vờ như những con tàu ma tại cảng này.

Quảng Ngãi những đợt “sóng ngầm” trong cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Bài 1) - Ảnh 1.

Những tàu vận tải khách vỏ sắt được neo đậu tại cảng An Hải, huyện Lý Sơn từ nhiều năm qua. Ảnh: Công Hoàng.

Nhìn những chiếc tàu khách bằng sắt sau 1 thời gian phơi nắng, dầm sương giờ đã cũ kỉ và bắt đầu gỉ sắt, ít ai biết rằng những chiếc tàu này, từng được ví là "mốc son" của sự thay đổi trong hoạt động vận tải khách tuyến Sa Kỳ (đất liền) – Lý Sơn và ngược lại.

Nhiều người dân ở huyện Lý Sơn nhớ lại, do nhiều nguyên nhân nên nhiều thập kỷ trước đó, để ra vào Lý Sơn – đất liền và ngược lại, phương tiện là những chiếc tàu gỗ đánh cá được cải hoán, hoặc được đóng như tàu đánh cá nhưng được sử dụng để chở khách.

Theo đó mỗi ngày, thậm chí có thời điểm 2-3 ngày, mới có 1 chuyến từ đảo Lý Sơn vào bờ và ngược lại, với thời gian chạy từ 2-4 giờ. Chưa hết để được đi ra đảo (từ đất liền), hoặc từ đảo Lý Sơn vào bờ, ngoài phải đăng ký nhiều ngày trước, hành khách phải chấp nhận nằm chung với hàng hoá, heo, gà, vịt…

Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2014 trở về sau, khi Lý Sơn được đầu tư hoà vào mạng lưới điện quốc gia, vùng đất này đã "lột xác", trở thành điểm du lịch nổi tiếng cho đến bây giờ.

Cùng với cơ sở hạ tầng, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, vận chuyển khách ra đảo tham quan, một số tổ chức và cá nhân ở Lý Sơn, đã đầu tư từ vài, đến hàng chục tỷ đồng, mua tàu vận tải khách vỏ sắt thay thế tàu gỗ.

Nhờ vậy thời gian của mỗi chuyến đi (đất liền ra đảo Lý Sơn và ngược lại), được rút ngắn xuống và chỉ còn từ 1 giờ 30 – 1 giờ 50 phút.

Chưa thu hồi vốn đã neo bờ.

Thế nhưng chỉ tồn tại vài năm sau đó, những chiếc tàu sắt, với trị giá hàng chục tỷ đồng, bắt đầu trở nên "lạc hậu" và trở thành "tàu rùa" (chạy chậm), khi vào đầu năm 2017, Công ty Chín Nghĩa đầu tư mua và đưa tàu khách vỏ composite, với số tiền hàng chục tỷ đồng/chiếc, về hoạt động tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, với thời gian chạy khoảng 50 phút/chuyến.

Quảng Ngãi những đợt “sóng ngầm” trong cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Bài 1) - Ảnh 3.

Tàu khách siêu tốc vỏ composite. Ảnh: Công Hoàng (ảnh chụp năm 2018).

Sự xuất hiện của những tàu khách siêu tốc vỏ composite, (với thời gian chạy chỉ 50 phút từ Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại); đồng thời đây cũng là giai đoạn mà du lịch Lý Sơn trở thành "hót", nên các doanh nghiệp vận tải trên tuyến này, bắt đầu ồ ạt mua sắm phương tiện mới, hiện đại để thu hút khách; đáp ứng nhu cầu ra đảo tham quan của du khách.

Theo đó những chiếc tàu vỏ bằng hợp kim, với trị giá hơn 20 tỷ đồng/chiếc, thời gian chạy 50-60 phút, đã được các doanh nghiệp trong tỉnh đóng mới và đưa về, tham gia hoạt động vận tải khách trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn.

Quảng Ngãi những đợt “sóng ngầm” trong cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Bài 1) - Ảnh 4.

Bên trong khoang hành khách của tàu khách vỏ composite. Ảnh: Công Hoàng (ảnh chụp năm 2018).

Có trang thiết bị hiện đại, tốc độ chạy tương đương nhưng độ an toàn cao hơn rất nhiều, đặt biệt trong điều kiện gió cấp 5, nên sự xuất hiện của những tàu mới vỏ hợp kim, cũng đã đặt dấu chấm hết cho số tàu khách siêu tốc vỏ composite và cả thế hệ tàu sắt trước đó.

Ông N.V.Q, người có số lượng tàu khách nhiều nhất trên tuyến này cho biết, trừ 2 chiếc siêu tốc mới đóng đang hoạt động, hiện có 3 chiếc cao tốc, tổng trị giá khoảng 37 tỷ đồng đang phải neo bờ. Cùng chung số phận là tàu cao tốc B.Đ, được ông N.T.X mua 15 tỷ đồng và đưa vào hoạt động mới 2 năm, rồi cũng neo bờ.

Quảng Ngãi những đợt “sóng ngầm” trong cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Bài 1) - Ảnh 6.

Hành khách đang đợi tàu tại cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn. Ảnh: Công Hoàng.

Khi được hỏi "Từ khi mua về và đưa vào hoạt động cho đến lúc bị nằm bờ, tiền vốn thu hồi đã đủ ?", các chủ tàu đều lắc đầu: "Chiếc nhiều nhất thì vài ba tỷ đồng là cùng, còn phần vốn lỗ ít nhất phải 1/2 so với số tiền đã bỏ ra mua".

Quảng Ngãi những đợt “sóng ngầm” trong cạnh tranh vận tải khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Bài 1) - Ảnh 7.

Những tàu khách mới đang chờ đón khách tại cảng Sa Kỳ. Ảnh: Công Hoàng.

Tính đến thời điểm giữa tháng 7/2023 (trước khi Phú Quốc Express khai trương hoạt động), tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, có 6 tàu vận tải khách cao tốc, với tổng số lượng khách được phép chở gần 1.000 khách. Trong đó tàu nhỏ nhất 139 khách/tàu/lượt và lớn nhất là 233 khách/tàu/lượt.

Công Hoàng
Cùng chuyên mục