Quảng Ngãi: Chủ đầu tư Nhà máy Bột – giấy VNT19 nói gì về thiết bị xử lý nước thải?
Liên quan đến 1 trong những vấn đề được dư luận quan tâm của dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19, đó là hệ thống và thiết bị xử lý nước thải, đại diện chủ đầu tư đã trao đổi và cung cấp cho PV Etime, cùng các cơ quan báo chí về hạng mục này.
Theo vị đại diện chủ đầu tư dự án, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy Bột – Giấy VNT19 sử dụng thiết bị nhập mới 100%, do nhà thầu AQUAFLOW (AQF) Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt và thực hiện chạy thử.
Đây là công nghệ tiên tiến và được áp dụng phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, với quy trình xử lý khép kín từ đầu vào, đến đầu ra.
Bên canh đó quá trình triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án, chủ đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động một số chỉ tiêu đặc trưng như lưu lượng, nhiệt độ, độ màu…nhằm kiểm soát, giám sát tốt nhất chất lượng nước thải trong suốt quá trình xả thải ra môi trường.
Thực hiện lấy mẫu nước thải để giám sát chất lượng nước thải hàng ngày, tại phòng thí nghiệm của nhà máy và chương trình giám sát định kỳ theo đúng quy định của pháp luật, với tần suất 3 tháng/lần.
Cũng theo vị đại diện chủ đầu tư dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19, chưa tính các chi phí khác như thi công, lắp đặt… chỉ riêng tiền thiết bị xử lý nước thải của dự án đã trị giá khoảng 7,5 triệu Euro.
Đại diện chủ đầu tư bày tỏ đến thời điểm này, dự án nhà máy Bột – Giấy VNT19 là dự án bột giấy lớn nhất Việt Nam, với số lượng nhiên liệu sử dụng sau khi xây dựng hoàn thành khoảng 550.000 tấn dăm gỗ khô/năm, tương đương 1,1 triệu tấn gỗ keo tươi/năm, ước bằng 45% công suất xuất khẩu gỗ dăm qua cảng biển KKT Dung Quất.
Với số lượng nhiên liệu (dăm gỗ) mà nhà máy dự kiến sử dụng, sẽ góp phần làm tăng giá trị của dăm gỗ hơn so với xuất thô; từng bước nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp và giá trị của rừng trồng trên địa bàn; giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu thô nguyên liệu dăm của tỉnh Quảng Ngãi.
Được biết DA NM giấy VNT-19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2011, công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất xây dựng gần 69ha tại thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Tuy nhiên sau đó, DA được chuyển đến địa điểm mới là thôn Phú Long, xã Bình Phước, cùng huyện.
Qua 3 lần điều chỉnh, hiện DA được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm.
Tại buổi làm việc vào hôm qua, ngày 7/4, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết đến thời điểm mày, đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc. Dự kiến đến năm 2023, sẽ hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động.