Quảng Ninh: Khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin đất đai
Dự án Xây dựng hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 có tổng mức đầu tư trên 480 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 2 năm 2019-2020. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án do Sở TN&MT triển khai, còn giai đoạn thực hiện, kết thúc đầu tư do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thực hiện. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đã thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu đối với 5 gói thầu của dự án. Tuy nhiên, do khối lượng, giá trị phần cơ sở dữ liệu đất đai rất lớn và có tính chất chuyên môn, chuyên ngành cao, dẫn đến tiến độ của dự án đang bị chậm so với chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bản đồ quy hoạch TP.Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Dự án hoàn thành sẽ xây dựng một hệ thống thông tin đất đai hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh từ đó tăng tính minh bạch của hoạt động quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh, vì vậy, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến việc triển khai dự án này.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, khoảng 80% số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn có liên quan đến lĩnh vực đất đai (Trong ảnh dự án khu biệt thự phía Tây dự án khu biệt thự đồi 368).
Để dự án sớm hoàn thành và đạt được mục tiêu đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT phải xử lý dứt điểm, đánh giá lại toàn bộ hiệu quả giai đoạn 1 của dự án để phê duyệt quyết toán trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp phải tích cực triển khai các bước tiếp theo của dự án như: Lựa chọn nhà thầu có năng lực; thành lập một tổ, ban chuyên trách để huy động các cán bộ có năng lực về quản lý đất đai tham gia dự án, nhất là những cán bộ đã có kinh nghiệm tham gia vào giai đoạn 1 của dự án.
Đơn vị tư vấn thiết kế phải làm rõ tính kế thừa, bổ sung, nâng cấp giữa giai đoạn 1, 2 và để thiết kế chi tiết của dự án tận dụng được tối đa kết quả của giai đoạn 1.
Song song với đó, các địa phương phải sớm hoàn thiện, chỉnh lý biến động đất đai, cập nhật dữ liệu bản đồ địa chính để cập nhật vào hệ thống thông tin đất đai; tham gia ý kiến vào thiết kế chi tiết, dự toán của dự án để làm căn cứ triển khai.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, khoảng 80% số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn có liên quan đến lĩnh vực đất đai. Để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu khiếu kiện, thúc đẩy tính minh bạch, hiện đại hóa trong công tác quản lý đất đai, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2009. Tuy nhiên theo đánh giá chung, hiệu quả dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai cơ bản đảm bảo, song còn hạn chế, không phù hợp với việc xây dựng chính quyền điện tử và kết nối với đề án thành phố thông minh đang triển khai trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai, Thông báo số 194/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở TN&MT ngày 2/8/2018, xác định xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý đất đai và phải gắn kết với việc triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, việc triển khai chính quyền điện tử.