Ngày đầu tiên các “kỹ sư” IT giáo viên THPT đến xã, phường hỗ trợ công nghệ và dịch vụ công
Khi sự bỡ ngỡ được xóa tan bằng lòng nhiệt thành
Trong không khí đặc biệt của những ngày tháng 7 khi thực hiện chính quyền 2 cấp, một làn gió mới của công nghệ và sự nhiệt huyết tuổi trẻ đã lan tỏa đến từng các xã, phường mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Đây không phải là một chiến dịch tình nguyện hè thông thường, mà là một nhiệm vụ đặc biệt, nơi các giáo viên công nghệ thông tin (CNTT) đến từ các Trường THPT đang tạm rời bục giảng để trở thành những “kỹ sư” IT chuyên nghiệp, hỗ trợ chính quyền và người dân trong công cuộc chuyển đổi số.
Ngày đầu tiên của chiến dịch đã ghi nhận những câu chuyện đầy ý nghĩa, những nụ cười và cả những thách thức cần vượt qua.
Tại phường Kỳ Lừa, ngay từ sáng sớm không khí tại Trung tâm phục vụ hành chính công đã trở nên nhộn nhịp hơn thường lệ.
Bà Vũ Hồng Bích, một người dân đến làm thủ tục ủy quyền lĩnh lương hưu, không giấu được sự vui mừng và ngạc nhiên cho biết: Dù chưa từng quen biết, nhưng khi đến làm thủ tục, tôi đã nhận được sự hỗ trợ tận tình từ các cán bộ và đặc biệt các kỹ sư CNTT về tăng cường ở đây. Mọi thủ tục đã trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn tôi nghĩ rất nhiều.
Sự hiện diện của các thầy giáo đã mang lại một luồng sinh khí mới cho công tác hành chính tại phường Kỳ Lừa ngay trong ngày đầu triển khai.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Kỳ Lừa, cho biết: Ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã được đón hai giáo viên CNTT đến hỗ trợ người dân làm thủ tục, cũng như cài đặt các phần mềm cần thiết, đặc biệt là cài chữ ký số điện tử. Sự phối hợp nhịp nhàng này không chỉ giúp giảm tải công việc cho cán bộ phường mà còn tạo ra một hình ảnh thân thiện, gần gũi của chính quyền với người dân.
Thầy giáo Mỗ Tuấn Anh, giáo viên CNTT từ Trường THPT Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn một trong hai người được cử đến phường Kỳ Lừa, chia sẻ về sự chuẩn bị của mình: Trong buổi chiều ngày 7/7, chúng tôi đã được các cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn cũng như các doanh nghiệp viễn thông tập huấn, hướng dẫn chi tiết về các công việc sẽ thực hiện khi xuống địa phương. Nhờ đó, chúng tôi đã hình dung rõ ràng hơn về nhiệm vụ của mình.
“Sáng nay, ngoài việc hỗ trợ người dân đăng ký thủ tục hành chính, chúng tôi còn đối mặt với một nhiệm vụ khá lớn là cài đặt chữ ký số điện tử. Tại phường Kỳ Lừa, có khoảng 100 máy tính cần được cài đặt mới hoặc cài đặt lại. Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong những ngày tới” thầy Tuấn Anh cho biết thêm.
Giúp người lớn tuổi vượt qua rào cản công nghệ
Tương tự tại phường Kỳ Lừa, ở phường Lương Văn Tri, hình ảnh thầy giáo Hoàng Chỉ Đạo, giáo viên CNTT của Trường THPT Chi Lăng, cũng đã trở nên quen thuộc ngay từ sáng sớm.

Thầy Đạo không chỉ hỗ trợ người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến mà còn là một “chuyên gia” công nghệ cho chính các cán bộ tại phường. Sự có mặt của thầy đã giúp giải quyết nhanh chóng nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.
Câu chuyện của ông Lý Viết Báo, một người dân đến làm thủ tục điều chỉnh hưởng trợ cấp xã hội, là một minh chứng.
Ông Báo chia sẻ: Hôm nay tôi đến phường làm thủ tục, đến nơi tôi được các cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chỗ nào chưa hiểu là được hỗ trợ ngay. Với người lớn tuổi như tôi, các thao tác về công nghệ thực sự rất khó khăn, nhưng nhờ có cán bộ phường và các cán bộ kỹ thuật CNTT ở đây hướng dẫn từng bước, tôi đã hoàn thành và nộp được hồ sơ của mình.
Nụ cười hài lòng của ông Báo chính là phần thưởng quý giá nhất cho những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ giáo viên đến từ các Trường THPT khi đang về các xã, phường trên địa bàn để thực hiện hỗ trợ CNTT mà tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai.
Thầy Hoàng Chỉ Đạo cho biết thêm: Khi nhận nhiệm vụ từ Nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Lạng Sơn chúng tôi xác định đây là một trọng trách rất lớn, trong quá trình thực hiện chính quyền 2 cấp ở Lạng Sơn và chúng tôi cũng rất tự hào khi được trở thành 1 phần trong quá trình chuyển đổi đó.
Sự hỗ trợ chuyên sâu và toàn diện
Không chỉ giới hạn ở các phường trung tâm, tinh thần hỗ trợ còn lan tỏa mạnh mẽ đến các xã. Tại xã Đồng Đăng, các "kỹ sư" IT giáo viên THPT cũng đã nhanh chóng bắt tay vào công việc, tạo ra những thay đổi tích cực.

Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Đồng Đăng, đánh giá cao sự giúp đỡ này: Trong ngày đầu tiên, các thầy giáo được tăng cường về CNTT đã giúp địa phương giải quyết rất nhiều phần việc cụ thể và thiết thực. Từ việc cài đặt chữ ký số, hướng dẫn nộp hồ sơ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đảo mã QR cho đến việc hỗ trợ lập hồ sơ… mọi thứ đều được thực hiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Sự hỗ trợ của các giáo viên công nghệ thông tin đến từ các Trường THPT trong ngày đầu không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là bước đi chiến lược, giúp nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ cán bộ cơ sở và trang bị cho người dân những kỹ năng số cần thiết trong thời đại mới.
Chương trình đưa các giáo viên CNTT của Trường THPT về hỗ trợ các xã, phường không chỉ là một minh chứng cho sự chung tay của ngành giáo dục đối với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn mà còn thắp lên niềm tin về một tương lai không xa, khi mọi người dân Lạng Sơn, dù ở độ tuổi nào, cũng có thể tự tin làm chủ công nghệ, góp phần xây dựng một chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ngày càng phát triển.