Thuốc độc bên mâm cơm người Việt: Mánh kinh doanh của những "ông, bà trùm" thuốc độc

Nhóm PV Thứ năm, ngày 17/11/2022 08:40 AM (GMT+7)
Những chai nhựa dán tên Thuốc trừ cỏ không chọn lọc Lagoote, trong đó có thành phần Paraquat dichloride… 276g/l được các nhóm kín quảng bá nhiều nhất.
Bình luận 0

Hầu hết các đầu nậu buôn thuốc trừ cỏ có hoạt chất cấm đều không muốn giao hàng trực tiếp

Cho người mua "leo cây" vì muốn nhận hàng tận nơi

Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên đã dành nhiều thời gian liên hệ hàng chục đầu mối theo số điện thoại quảng cáo trên các trạng mạng xã hội. Sau nhiều cuộc điện thoại, cùng các biện pháp nghiệp vụ, phóng viên hẹn được một người nhận giao 2 thùng cỏ cháy chậm có chứa thành phần Paraquat ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc trên một cây cầu nằm trên quốc lộ 2C.


Bài 3: Quay cuồng với những "ông, bà trùm" thuốc độc - Ảnh 1.

Thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất cấm rao bán công khai trên mạng xã hội. Ảnh Quang Minh

Tuy nhiên, khi phóng viên vượt hơn 100km từ Hà Nội đến gần địa điểm đã hẹn trước, gọi điện thoại để người bán hàng mang ra nhưng người này cho biết đang đi thăm nhà người quen không về kịp, rồi tiếp tục hẹn nhóm phóng viên đến địa bàn thị trấn Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để xem hàng. 

Sau một thời gian di chuyển, người bán hàng gọi điện thông báo do không dặn trước đại lý trên nên đã bán hai thùng thuốc cỏ cháy, giờ hết hàng rồi.

Nhóm phóng viên đã bị một người đàn ông xưng tên Hùng cho "leo cây" gần 300km cả đi và về. Chúng tôi tiếp tục gọi điện đến một số điện thoại khác, đầu dây bên kia cho biết ở tỉnh Gia Lai, chuyên bán thuốc bảo vệ thực vật, loại nào cũng có, sẽ vận chuyển tận nơi trên khắp cả nước, tùy vào số lượng nhiều hay ít. 

Sau đó chúng tôi kết bạn trên nền tảng mạng xã hội. Người phụ nữ này nhanh chóng gửi ảnh, kèm lời quảng bá sản phẩm thuốc diệt cỏ trong danh mục không được phép lưu hành.

Bài 3: Quay cuồng với những "ông, bà trùm" thuốc độc - Ảnh 2.

Một đại lý tên là P., chở thuốc cháy cỏ bằng xe máy giao hàng cho khách tại một cây xăng ở gần cầu Bồ Sơn, TP. Bắc Ninh. Ảnh cắt từ clip.

Nhóm phóng viên đã hẹn nhiều người khác ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Đắk Lắk, Gia Lai, An Giang nhưng đều gặp được câu trả lời: "Đây là hàng nhạy cảm, chúng em chưa biết mặt các anh, lần đầu trao đổi nên em không dám gặp. Nếu các anh không tin chất lượng sản phẩm thì cũng khó làm ăn lâu dài với nhau được". 

Theo những người buôn bán, họ phải biết được người của đại lý nào, ở đâu và chỉ bán cho người quen, phương tiện chuyển hàng thường gửi qua xe khách đường dài hoặc bưu điện. 

Các kho chứa hàng thường đặt ở nơi xa dân cư, trong các kho xưởng hoặc những căn nhà bỏ hoang ven cánh đồng. Chỉ khi có người đặt mua mới chuyển hàng, nhận hàng mới chuyển tiền.


Bài 3: Quay cuồng với những "ông, bà trùm" thuốc độc - Ảnh 3.

Trong quá trình giao hàng cho khách, bà P. liên tục nhắc nhở khách hàng xem hàng nhanh vì đây là hàng "nhạy cảm". Ảnh cắt từ clip.

Hai lần giáp mặt "đầu nậu" buôn hàng nhạy cảm

Trong những nhóm buôn bán thuốc trừ cỏ mà nhóm phóng viên tìm hiểu, những chai nhựa dán tên Thuốc trừ cỏ không chọn lọc Lagoote, trong đó có thành phần Paraquat dichloride… 276g/l được quảng bá nhiều nhất.

Bài 3: Quay cuồng với những "ông, bà trùm" thuốc độc - Ảnh 4.

Bà P. nhận tiền của khách hàng sau đó nhanh chóng rời đi. Ảnh cắt từ clip.

Người bán công khai số điện thoại, tên trên các mạng xã hội để quảng bá, nhóm phóng viên đã dành nhiều thời gian tham gia trong các hội nhóm rao bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ để tìm hiểu. Chúng tôi cũng đã liên hệ với khoảng 20 "đầu nậu" qua điện thoại và các tài khoản mạng xã hội. Có những người ở Thủ đô Hà Nội, có người ở tận miền núi Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, rồi Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, thậm chí ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên rồi Tây Nam Bộ. 

Hầu hết họ đều khẳng định có hàng giao cho người muốn mua. Trong các cuộc trao đổi mua bán của những người này cũng nhận thức được việc khẳng định bán mặt hàng này là vi phạm pháp luật. 

Nhóm phóng viên nắm được thông tin có một người tên P. sẵn sàng rao hàng. Trên trang cá nhân của mình ban đầu phụ nữ này nói mình ở tỉnh Bắc Giang, nếu khách hàng muốn mua thì cho địa chỉ gửi hàng đến tận nhà, nhận hàng mới chuyển tiền.

"Bao cháy, bao chết, không chết trả lại tiền, em bán miền Nam nhiều mỗi ngày mấy trăm thùng. Em nhập về bán mà, nếu có xe quen cho số nhà xe, hàng lên xe thì anh chuyển khoản, nếu không em gửi bưu điện sẽ đắt hơn nhiều" - bà P. khẳng định khi phóng viên trao đổi qua điện thoại.

Sau rất nhiều ngày có mặt theo dõi, ghi hình, nhóm phóng viên Dân Việt đã chứng kiến cảnh bà P., giao thuốc cháy cỏ có chứa hoạt chất bị cấm lưu hành tại một cây xăng ở gần cầu Bồ Sơn, TP. Bắc Ninh.

Bà P., chở trên chiếc xe máy 5 bao tải màu cam, bên ngoài dán chữ hàng dễ vỡ, xin nhẹ tay. Khi gặp khách bà P., rạch bao tải, xé nát thùng cát tông đưa ra chai thuốc trừ cỏ "Cỏ cháy nhanh" thể tích 1 lít, thông số dán trên chai có thành phần chất cực độc đã bị loại ra khỏi danh sách thuốc được sử dụng trong nông nghiệp nhiều năm qua.

Bài 3: Quay cuồng với những "ông, bà trùm" thuốc độc - Ảnh 5.

Thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate bà P. bán cho khách hàng. Ảnh: Văn Hoàng

Khoác trên mình chiếc áo chống nắng màu xanh, mặt bịt kín khẩu trang, bà P., nhanh chóng cất chai thuốc vào thùng kèm lời nói với khách "hàng nhạy cảm không mở ra xem lâu được, nhiều người nhìn thấy không hay". Đứng bên cạnh, phóng viên nghe được bà P., luôn miệng giới thiệu về chất lượng cũng như công dụng "tuyệt vời" của thuốc có chứa chất độc không được phép lưu hành.

Bà P., cho biết: "Đây là hàng nhập, ở đây còn hàng chiết, nhưng hàng chiết xuất chất lượng không bằng, mình nhập nguyên lô nguyên liệu của nó về mình chiết. Loại cỏ cháy chậm giá đắt hơn vì phun loại đó an toàn cho người tiếp xúc hơn".

Theo bà P., bà từng nhiều lần gửi loại thuốc này vào các tỉnh phía Nam, có chuyến 300 thùng, mỗi thùng 20 lọ, nếu lấy 50 thùng trở lên giá sẽ giảm xuống còn 1.650.000 đồng/thùng. Còn lấy số lượng ít giá 1.750.000 đồng/thùng.

Nhóm phóng viên tiếp tục phát hiện bà P., đưa hai thùng như những lần vận chuyển trước lên một chiếc taxi đến tại một cây xăng ven quốc lộ. Bà P. cũng sẵn sàng nhận gửi hàng cho khách qua đường bưu điện.

Nhóm phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã cung cấp toàn bộ tài liệu, hình ảnh cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) để các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục tìm hiểu, điều tra, làm rõ theo quy định.

Đối với thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Paraquat:

+ Việc sử dụng loại thuốc này nhiều sẽ gây suy thoái và ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt vi sinh vật có ích, tồn dư các chất độc hại trong đất, trong nước, tích lũy trong các loại nông sản, thủy hải sản, gây độc cho cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

+ Tiếp xúc trực tiếp với hoạt chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi, họng và có thể gây chảy máu cam. Khi tiếp xúc với một lượng lớn hoạt chất Paraquate có thể gây ngộ độc nặng với các biểu hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy, run, co giật và thậm chí là tử vong. Ngoài ra, chất này có thể gây hại cho gan thận và phổi.

+ Phân hủy rất chậm trong môi trường đất, thời gian từ 7-20 năm mới phân hủy hết.

+ Paraquat thuộc nhóm chất diệt cỏ tác dụng nhanh và không chọn lọc, có tác dụng ăn mòn, phá hủy các tế bào: phổi, thận, gan, tim…. Chỉ cần uống phải 10 - 15ml paraquat có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do vậy, tỉ lệ tử vong của ngộ độc paraquat rất cao, trung bình từ 70 - 90%.

+ Với người uống nhiều Paraquat, chỉ sau vài giờ sẽ xuất hiện cảm giác nóng bỏng ở miệng, buồn nôn, đau bụng. Chất độc được hấp thụ nhanh, đặc biệt có ái lực rất cao với phổi, gây tổn thương phổi và xơ phổi tiến triển không hồi phục, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Rất nhiều biện pháp điều trị đã được nghiên cứu và áp dụng nhưng hiệu quả vẫn cònhạn chế trong việc cứu sống người bệnh.

Đối với chất trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate:

+ Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư nhóm 2A đối với thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate có nguy cơ cao gây các bệnh ung thư máu, phổi, tiền liệt tuyến.

+ Phân hủy trong đất trong thời gian từ 1-130 ngày. Biểu hiện điển hình nhất khi sử dụng nhiều thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất này là đất bị khô cằn, có màu xám không đồng nhất hoặc nhiều bọt, xuất hiện các hạt màu trắng tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem