Quy định làm khó người trồng rừng: Tăng kiểm soát - giảm lợi nhuận

Thứ sáu, ngày 01/06/2012 15:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân khai thác rừng trồng thường tranh thủ trời nắng, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, trong khi kiểm lâm nghỉ 2 ngày này. Muốn được xác nhận nhanh, nhiều chủ rừng phải tính đến chuyện chi “tiêu cực phí”.
Bình luận 0

Ngày 4.1.2012, Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 01 về “Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản”, hiện đang đưa vào áp dụng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp ở một số địa phương, một số nội dung của Thông tư này “gây thêm khó khăn và tốn kém” cho họ so với trước.

“Năm 2011, chúng tôi khai thác rừng trồng thuận lợi, nhưng khi có quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp tại Thông tư 01, tôi đã tạm dừng lại, không dám khai thác tiếp…”. Anh Đào Ngọc Quyên – người có 15ha rừng trồng, cư ngụ tại tổ 409, khu 9, phường Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh) nói với phóng viên NTNN.

img
Khai thác gỗ rừng trồng ở Cẩm Phả.

Vào mùa khai thác mới thấy hệ lụy

Không chỉ anh Quyên, nhiều hộ trồng rừng ở địa phương này cũng có nỗi lo tương tự. Văn bản mà anh Quyên nhắc đến là Thông tư “Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản” do Bộ NNPTNT ban hành ngày 4.1.2012 (gọi tắt là Thông tư 01). Phần lớn nội dung của thông tư được đánh giá là chặt chẽ và cần thiết. Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai áp dụng xuống cơ sở, một số nội dung của thông tư bị người trồng rừng “kêu” là gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Theo Điều 13 của Thông tư 01, hồ sơ lâm sản có nguồn gốc khai thác từ rừng trồng tập trung của tổ chức xuất ra gồm hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại. Nếu hộ gia đình khai thác lâm sản, phải có UBND cấp xã xác nhận. Với các gia đình nhận đất trồng rừng từ các công ty lâm nghiệp (hộ thành viên của các công ty) thì khi khai thác và bán gỗ thì phải theo quy định như đối với doanh nghiệp.

Anh Bùi Quang Chính ở thôn Cầu Trắng, xã Cộng Hòa (Cẩm Phả) cho biết: “Gia đình tôi nhận 100ha đất rừng và đã trồng cây keo từ năm 2005, đến nay đang khai thác lứa đầu, dự kiến sẽ khai thác xong trong tháng 5.2012. Gỗ rừng trồng chủ yếu phục vụ cho nguyên liệu giấy (80%). Nếu bán rừng 7 năm tuổi (cây đứng), tôi thu về được khoảng 30-35 triệu đồng/ha, còn tự khai thác thì lợi nhuận cao hơn.

Theo quy định trước đây, tôi chỉ cần làm đơn gửi UBND xã xin phép khai thác và kiểm lâm viên địa bàn chứng nhận bản kê là chúng tôi có thể tiêu thụ gỗ thuận lợi. Nhưng thực hiện theo Thông tư 01 sẽ có nhiều trở ngại hơn, vì có đơn xin khai thác rừng trồng gửi UBND cấp xã, được UBND cấp xã ký xác minh rồi vẫn chưa xong, kiểm lâm viên còn phải kiểm kê từng xe một. Khi kiểm lâm không vào hoặc chưa vào rừng xác nhận thì người dân phải đợi”.

Anh Chính nói thêm, người dân khai thác rừng trồng thường tranh thủ trời nắng, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Còn kiểm lâm nghỉ 2 ngày này. Muốn được xác nhận nhanh, nhiều chủ rừng phải tính đến chuyện chi “tiêu cực phí”. Nếu không các chủ rừng phải đợi và phải trả tiền thuê công nhân, máy kéo trong cả những ngày chờ đợi được chứng nhận.

Xã Cộng Hòa có khoảng 200 xe ô tô, khi vào vụ khai thác, xe chạy liên tục, nếu kiểm lâm viên kiểm tra từng xe một, sẽ không kịp nhu cầu của người dân, dễ gây chậm trễ… Mùa hè, gỗ khai thác ra để chậm 1 tuần, mỗi xe gỗ 10 tấn sẽ bị hao mất 1 tấn, ngày nắng nóng, chỉ chậm một vài ngày cũng đã hao hụt tới 10%.

Mời nhà chính sách về trồng rừng

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Vũ Đình Hoạt, hội viên Hội Nông dân ở phường Mông Dương (Cẩm Phả) nhận định: Vào vụ thu hoạch rừng trồng, đâu chỉ một gia đình mà hàng chục hộ cùng khai thác cả trăm hecta rừng keo, hàng trăm xe ra vào mỗi ngày, chủ rừng chạy đi chạy lại viết từng hóa đơn cho từng xe, vừa tốn tiền mua hóa đơn, vừa tốn công theo dõi kiểm soát. Tôi muốn mời các nhà làm chính sách về đây trồng rừng để thấm thía những điều nói trên.

“Nếu quy định thêm kiểm soát mà tăng được lợi ích cho người trồng rừng và xã hội thì thật hay, nhưng nếu thêm thủ tục rườm rà, gây phiền hà và giảm lợi ích của người trồng rừng thì cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp”.

Việc áp dụng quy định hồ sơ lâm sản chặt chẽ đến từng chuyến xe, theo ông Hoạt và nhiều chủ rừng ở Quảng Ninh, chỉ phù hợp với việc kiểm soát gỗ rừng tự nhiên, hoặc rừng trồng do Nhà nước đầu tư (kiểm soát chặt để tránh thất thoát tài nguyên Nhà nước, rừng phòng hộ). Còn với rừng kinh tế, người dân được giao đất, thuê đất, tự bỏ tiền ra trồng cây keo, bạch đàn, họ phải được lưu thông thuận lợi như tất cả những loại hàng hóa phổ cập khác. Khu vực rừng của những người dân nói trên không có rừng tự nhiên, cũng không có rừng trồng từ vốn của Nhà nước. Rừng trồng của người dân, dân giữ gìn kỹ hơn cả kiểm lâm.

Còn nói thủ tục này để đảm bảo truy xuất nguồn gốc lâm sản hợp pháp theo yêu cầu của thế giới, ông Hoạt nói là chưa thuyết phục. Các nước tiên tiến quản lý rừng theo chuỗi, từ nguồn giống, khảo nghiệm, quy trình kỹ thuật trồng, cách khai thác đảm bảo không tàn phá môi trường… chứ không chỉ trông chờ vào thủ tục kiểm kê không thôi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem