Quyền Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng: "Không để lợi dụng chính sách trục lợi"

Huyền Anh Thứ năm, ngày 15/04/2021 07:10 AM (GMT+7)
Quyền Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng nhấn mạnh, định hướng xây dựng Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) là đảm bảo mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bình luận 0

Thông tư 03 /2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tư 03 được các TCTD, các chuyên gia kinh tế đánh giá có nhiều điểm mới "dễ thở" hơn đối với các ngân hàng, đặc biệt, là quy định về trích lập dự phòng đối với dư nợ cơ cấu lại.

Quyền Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng: Không để trục lợi chính sách - Ảnh 1.

Định hướng xây dựng Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) là đảm bảo mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Thông tư 03: Không để trục lợi chính sách, gây rủi ro cho hệ thống

Liên quan đến Thông tư này, tại Hội nghị Trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra giám sát, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng đã cung cấp các thông tin chi tiết liên quan đến việc triển khai Thông tư 03.

Theo ông Nguyễn Văn Du, Thông tư 03 tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, theo hướng điều chỉnh kéo dài một số mốc thời gian về giới hạn thời gian khoản nợ phát sinh và giới hạn thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ so với Thông tư 01.

Đồng thời, định hướng xây dựng thông tư là đảm bảo mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách nhằm trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của Bộ Tài chính.

Theo đó sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi; quy định về phân loại, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn.

"Không để có hiện tượng tranh thủ chính sách hỗ trợ để tái cơ cấu nợ cho cả các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Văn Du khẳng định.

Với các mục tiêu như vậy, do liên quan đến nhiều quy định, chính sách hiện hành, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết việc xây dựng thông tư đã trải qua 9 tháng với nhiều lần xin ý kiến Thủ tướng, làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Tại Thông tư 03, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi được áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; số nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Sở dĩ thông tư quy định thời hạn 31/12/2021, theo ông Nguyễn Văn Du, là đã tính toán phù hợp với tiến độ mua và triển khai tiêm vắc xin tại Việt Nam, theo đó, các hoạt động của người dân và doanh nghiệp dần trở lại bình thường.

Quyền Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng: Không để trục lợi chính sách - Ảnh 3.

ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

ngân hàng bị lỗ nếu trích lập dự phòng rủi ro 100%

Với quy định về trích lập dự phòng rủi ro, theo quy định tại Thông tư 03, lộ trình đưa ra là ngân hàng tỷ sẽ phải trích lập tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất 31/12/2021, và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt tại cuối 2022 và 2023.

Quyền Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, nếu tổ chức tín dụng nào thấy có năng lực tài chính tốt, có thể trích lập nhiều hơn, thậm chí trích lập 100% ngay trong năm nay cũng được.

Lãnh đạo NHNN cũng chia sẻ, cơ quan này đã phải cân nhắc và xem xét khá nhiều để đánh giá tác động của việc trích lập dự phòng. Qua đánh giá cho thấy, nếu yêu cầu các TCTD phải trích 100% ngay trong năm 2021 thì có một số TCTD bị lỗ trong năm nay. Do đó, Thông tư 03 chia ra lộ trình hợp lý.

Hầu hết các ngân hàng đánh giá Thông tư 03 được ban hành dù hơi chậm so với mong mỏi của các TCTD song đáp ứng được kỳ vọng của các TCTD, đặc biệt là quy định về thời gian và lộ trình trích lập dự phòng rủi ro là phù hợp, giúp các TCTD không khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, dưới góc độ ngân hàng bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), bày tỏ băn khoăn, ngoài phần cơ cấu nợ và nhóm nợ, phần còn lại phải trích lập dự phòng rất nhiều.

"Vậy phần này có được tính vào lãi dự thu không. Bởi Theo thông tư 01 được phần còn lại được dự thu, nhưng Thông tư 03 phải theo nguyên tắc trích lập", bà Hà đặt câu hỏi và lo lắng, "nếu trích lập dự phòng phần này sẽ nâng tỷ lệ nợ xấu lên cao. Như vậy ngành ngân hàng sẽ chịu thiệt".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem