Thông tư 03: Trích dự phòng lộ trình 3 năm, ngân hàng nào "dễ thở" nhất?

08/04/2021 07:38 GMT+7
Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) cho phép giãn lộ trình trích lập dự phòng với số nợ tái cơ cấu được kỳ vọng sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021. Trong đó, VPBank và BIDV là 2 ngân hàng được cho là sẽ "dễ thở" nhất.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một trong những nội dung được sửa đổi bổ sung được thị trường quan tâm đó là quy định trích lập dự phòng cho số dư nợ được cơ cấu.

Cụ thể, Thông tư 03 quy định số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại, không phải áp dụng nguyên tắc phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định.

Tuy nhiên, để tránh một cú sốc "lợi nhuận" diễn ra tại thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó.

Theo đó, số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là số tiền chênh lệch giữa dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng nếu không tái cơ cấu và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đáng chú ý, tỷ lệ trích lập này sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất 31/12/2021, và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt tại cuối 2022 và 2023.

Trích lập dự phòng theo quy định Thông tư 03 là hợp lý

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đánh giá, mặc dù chỉ là chênh lệch dự phòng giữa tổng dư nợ với nợ cơ cấu nhưng quy định này cũng ảnh hưởng phần nào đến năng lực tài chính của bản thân mỗi ngân hàng.

Thông tư 03: Trích dự phòng lộ trình 3 năm, ngân hàng nào "dễ thở" nhất? - Ảnh 2.

Lộ trình trích dự phòng theo Thông tư 03

Theo ông Hùng, đối với những ngân hàng đủ năng lực thì sẽ trích đủ, trích sớm nhưng cũng có ngân hàng đang khó khăn thì việc trích lập dự phòng rủi ro đủ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, theo yêu cầu Bộ Tài chính cần phải có lộ trình cụ thể hơn. Do vậy, tại Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mốc điểm như vậy.

"Tôi cho rằng, với thời gian cũng như tỷ lệ đưa ra tối thiểu là 30% trong năm đầu tiên, 60% trong năm kế tiếp và 100% trong năm còn lại cũng phù hợp và các tổ chức tín dụng có thể hoàn thành được", ông Hùng nhấn mạnh.

Ngân hàng nào "dễ thở" nhất

Đồng tình, các nhà phân tích đến từ Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, đối với phía ngân hàng thương mại, việc sửa đổi này sẽ có nhiều tác động tích cực trong ngắn và dài hạn.

Theo đó, việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021.

Thông tư 03: Trích dự phòng lộ trình 3 năm, ngân hàng nào "dễ thở" nhất? - Ảnh 3.

Chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021 nhờ Thông tư 03

Thông tư 01 hiện mới quy định các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện phân loại và trích lập dự phòng theo thời hạn đã được cơ cấu, có nghĩa các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện trích lập như thông thường khi các khoản nợ tái cơ cấu hết thời hạn.

VNDirect cho rằng, điều này tạo nên áp lực chi phí dự phòng cực lớn cho các ngân hàng thương mại có số dư nợ tái cơ cấu lớn như BIDV và VPBank vào thời điểm các khoản nợ hết được gia hạn trả nợ lãi (cụ thể là trong năm 2021 theo lộ trình).

Tuy nhiên, với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.

Thông tư 03: Trích dự phòng lộ trình 3 năm, ngân hàng nào "dễ thở" nhất? - Ảnh 4.

Thông tư 03 mới ban hành được kỳ vọng sẽ giải tỏa rất nhiều áp lực về chi phí dự phòng với BIDV.

Trong đó, với mô hình cho vay chủ yếu là tài chính tiêu dùng, tập khách hàng của VPBank chịu tác động tiêu cực rất lớn từ đại dịch. Để hỗ trợ khách hàng, VPB đã thực hiện tái cơ cấu với số dư nợ 28.000 tỷ tương đương 9,6% tổng dư nợ ngân hàng.

Cùng với tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành, áp lực về dự phòng với ngân hàng khi số nợ tái cơ cấu hết thời hạn được gia hạn là rất lớn.

Vì vậy, việc giãn lộ trình trích lập dự phòng với số nợ tái cơ cấu sẽ tạo nền tảng cho VPBank củng cố lợi nhuận, cải thiện chất lượng tài sản.

Là một trong 2 ngân hàng có giá trị nợ tái cơ cấu lớn nhất trong ngành, cùng với chi phí dự phòng luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập hoạt động (2020: 47%), BIDV sẽ là nhà băng cũng sẽ "dễ thở" hơn bởi Thông tư 03 mới ban hành sẽ giải tỏa rất nhiều áp lực về chi phí dự phòng của nhà băng này.



Huyền Anh
Cùng chuyên mục