Ráo riết chống tội phạm tiền điện tử Bitcoin

Huỳnh Dũng Thứ năm, ngày 24/02/2022 07:03 AM (GMT+7)
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) vừa chính thức lập ra một đơn vị mới chuyên theo dõi tội phạm tiền điện tử và tấn công ransomware.
Bình luận 0

Tiền điện tử đã xuất hiện trong những năm gần đây như là phương tiện chính mà tội phạm mạng gặt hái được phần thưởng từ các cuộc tấn công mạng. Một báo cáo vào tháng 2/2022 do công ty phân tích blockchain Chainalysis Inc. phát hành ước tính rằng, khoảng 11 tỷ đô la tiền điện tử được nắm giữ vào  năm 2021 có nguồn gốc bất hợp pháp. 

Các cơ quan thực thi pháp luật đã tập trung vào việc phá vỡ tính kinh tế của tội phạm mạng như một công cụ phòng ngừa chính, bằng cách thu hồi các khoản tiền được trả bằng tiền chuộc hoặc bị tin tặc đánh cắp và xác định tin tặc thông qua các giao dịch. Trong khi đó, ransomware lại là một thủ đoạn tống tiền mạng sử dụng phần mềm độc hại để chiếm giữ hệ thống máy tính của người dùng làm con tin cho đến khi trả tiền chuộc. Những kẻ tấn công ransomware thường yêu cầu tiền chuộc bằng tiền điện tử như Bitcoin do tính ẩn danh và dễ dàng thanh toán trực tuyến của nó.

FBI ra mắt 'Đơn vị khai thác tài sản ảo' với đội ngũ chuyên gia tiền điện tử chuyên biệt. Ảnh: @AFP.

FBI ra mắt 'Đơn vị khai thác tài sản ảo' với đội ngũ chuyên gia tiền điện tử chuyên biệt. Ảnh: @AFP.

Là một phần trong nỗ lực rộng rãi của chính phủ liên bang nhằm phá vỡ các nhà khai thác ransomware và các nhóm tội phạm mạng khác, FBI đã thành lập một đơn vị mới chuyên điều tra việc lạm dụng tiền điện tử và Bộ Tư pháp Mỹ đang khởi động Sáng kiến tiền ảo quốc tế mới để hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, các công tố viên và các nền tảng tiền điện tử để theo dõi các khoản thanh toán tiền chuộc và phát triển các quy định và luật chống rửa tiền qua tiền điện tử. Các sáng kiến mới đánh dấu sự leo thang hơn nữa trong chiến dịch của chính phủ Mỹ chống lại các nhóm ransomware, vốn đã tăng tốc khá nhanh trong năm ngoái.

Mới đây, Phó Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Lisa Monaco đã thông báo về việc thành lập Nhóm khai thác tài sản ảo (VAXU) trong một bài phát biểu tại Hội nghị An ninh mạng Munich tuần này, cho biết đơn vị này sẽ giúp chính phủ Hoa Kỳ bắt kịp với "những kẻ đe dọa tấn công mạng và khai thác tiền điện tử".

Điều này bao gồm "sự bùng nổ của ransomware và lạm dụng tiền điện tử", Monaco còn lưu ý rằng FBI hiện đang theo dõi hơn 100 biến thể ransomware khác nhau. Chainalysis báo cáo rằng những kẻ lừa đảo đã quét sạch hơn 11 tỷ đô la tiền điện tử từ các nạn nhân trên toàn cầu vào năm 2021, tăng 80% so với năm trước đó.

Đơn vị VAXU của FBI sẽ kết hợp các chuyên gia tiền điện tử, phân tích blockchain và thu giữ tài sản ảo để điều tra sự việc và cung cấp kiến thức đào tạo cho phần còn lại của FBI. Đơn vị chuyên trách mới sẽ bắt tay với Nhóm thực thi tiền điện tử quốc gia (NCET), một bộ phận của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ được thành lập vào cuối năm 2021 để điều tra tội phạm mạng sử dụng tài sản kỹ thuật số, đặc biệt tập trung vào trao đổi tiền điện tử ảo và các công nghệ khác cho phép lạm dụng tiền điện tử hoặc tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm mạng tinh vi hơn.

Cả hai nhóm sẽ hợp tác chặt chẽ để điều tra tội phạm liên quan đến tiền điện tử. Monaco cho biết: "Phần mềm tống tiền và mã độc tống tiền kỹ thuật số, giống như nhiều tội phạm khác được thúc đẩy bởi tiền điện tử, chỉ hoạt động nếu kẻ xấu được trả tiền, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải phá vỡ mô hình kinh doanh của chúng". "Tiền tệ điện tử có thể là ảo, nhưng thông điệp gửi đến các công ty là cụ thể: nếu bạn báo cáo cho chúng tôi, chúng tôi có thể theo dõi số tiền đó và không chỉ giúp bạn mà còn hy vọng ngăn chặn nạn nhân tiếp theo".

Đơn vị sẽ tiến hành phân tích để giám sát các quỹ liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Ảnh: @AFP.

Đơn vị sẽ tiến hành phân tích để giám sát các quỹ liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Ảnh: @AFP.

Trong phát biểu của mình, còn Monaco nhấn mạnh rằng ông hy vọng các công ty kinh doanh tiền điện tử sẽ "loại bỏ tận gốc các hành vi lạm dụng tiền điện tử. Đơn vị mới của FBI sẽ bao gồm các đặc vụ có chuyên môn về tiền điện tử và blockchain chuyên biệt, đồng thời sẽ tập trung vào nhiệm vụ đào sâu vào việc lạm dụng tiền điện tử và trao đổi, truy tìm lợi nhuận của tội phạm mạng và làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật khác về điều tra tiền điện tử. Monaco nhấn mạnh rằng ngay cả khi có tất cả các nguồn lực thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp và FBI, các cuộc điều tra tội phạm mạng cũng cần có sự hợp tác của các cơ quan trên toàn thế giới.

"Với những gì chúng tôi đã làm vào tuần trước, chúng tôi đang gửi thông điệp rõ ràng rằng tiền điện tử không nên được coi là một nơi trú ẩn an toàn", Monaco chia sẻ thêm.

Monaco cũng thông báo trong tuần này rằng Eun Young Choi, một công tố viên liên bang có kinh nghiệm trong việc dàn xếp tội phạm mạng đã được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Nhóm thực thi tiền điện tử quốc gia (NCET).

"NCET sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng khi công nghệ xung quanh các tài sản kỹ thuật số ngày càng phát triển và phức tạp, đến lượt mình, nhóm sẽ tăng tốc và mở rộng các nỗ lực để chống lại sự lạm dụng bất hợp pháp bởi các loại tội phạm mạng".

Thông báo mới này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thu giữ hơn 94.000 bitcoin, hiện có giá trị 3,6 tỷ đô la, được cho là bị đánh cắp trong vụ hack sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex năm 2016, đánh dấu vụ thu giữ tài chính điện tử "lớn nhất từ trước đến nay" của Bộ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem