Sắc lệnh quan trọng của Biden bị chặn đứng bởi thẩm phán do Trump bổ nhiệm

02/02/2021 15:14 GMT+7
Mỹ sẽ tiếp tục trục xuất người tị nạn như chính sách dưới thời Trump sau khi một thẩm phán ra phán quyết chặn đứng lệnh ngưng trục xuất mà Tân Tổng thống Biden phê duyệt.

Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức hôm 20/1, ông Biden đã phê duyệt liên tiếp 17 lệnh hành pháp đảo ngược hàng loạt chính sách dưới thời Tổng thống Trump. Trong đó có lệnh tạm ngừng trục xuất người nhập cư trái phép có hiệu lực trong 100 ngày, sắc lệnh ngừng cấp tiền cho kế hoạch xây bức tường biên giới mà ông Trump triển khai để ngăn nạn nhập cư bất hợp pháp, đồng thời chấm dứt lệnh hạn chế đi lại với một số quốc gia Hồi giáo.

Tuy nhiên mới đây, ông Drew Tipton, một thẩm phán liên bang do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm ở bang Texas đã ra phán quyết chặn đứng lệnh tạm ngừng trục xuất người nhập cư trái phép của ông Biden. Sau phán quyết này, Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) sẽ phải nối lại công tác trục xuất người tị nạn ngay trong tuần.  

Sắc lệnh quan trọng của Biden bị chặn đứng bởi thẩm phán do Trump bổ nhiệm - Ảnh 1.

Sắc lệnh quan trọng của Biden bị chặn đứng bởi thẩm phán do Trump bổ nhiệm

Phán quyết đưa ra sau khi Tổng chưởng lý tiểu bang Texas Ken Paxton hôm 22/1 đệ đơn khởi kiện tân chính quyền để phản ứng lại vụ việc Nhà Trắng chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa tạm ngừng trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. 

Trong đơn khởi kiện, ông Paxton cáo buộc chính quyền Biden vi phạm hàng loạt nguyên tắc hiến pháp khi không tuân thủ cam kết phối hợp với chính quyền tiểu bang Texas trong vấn đề chính sách nhập cư. “Ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền ở Nhà Trắng, chính quyền Biden đã đảo ngược luật nhập cư do Quốc hội Mỹ ban hành khi đình chỉ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp”.

Cơ sở pháp lý cho đơn khởi kiện của Texas nằm ở một thỏa thuận mà chính quyền Trump đã ký với một số tiểu bang trong thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ. Thỏa thuận quy định Bộ An ninh Nội địa có nghĩa vụ tham vấn các tiểu bang về bất kỳ sự thay đổi quy định nhập cư nào. Thỏa thuận này được coi là nỗ lực sau cùng của ông Trump nhằm củng cố di sản chính sách nhập cư trước khi chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới của ông Biden.

Ông Ken Paxton là một trong những nhân vật đi đầu trong chiến dịch lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống của nhóm ông Trump. Vụ kiện của Texas là hành động pháp lý đầu tiên của phe Cộng hòa nhằm phản đối các nỗ lực đảo ngược chính sách nhập cư cứng rắn dưới thời cựu Tổng thống Trump. 

Ông Tipton, người bác bỏ sắc lệnh của Tân Tổng thống Biden trước đây nhiều phen bị đảng Dân chủ phản đối vì thiếu kinh nghiệm trong ngành tư pháp. Còn ông Ken Paxton, người đệ đơn kiện chính quyền Biden cũng từng bị buộc tội gian lận chứng khoán, lạm dụng chức vụ và có vẻ như đang bị Cục Điều tra Liên bang FBI điều tra.

Bên cạnh vụ kiện chính sách nhập cư của Biden, Texas còn kiện chính quyền Biden liên quan đến hàng loạt sắc lệnh môi trường khác đảo ngược chính sách của ông Trump. Nguồn tin từ tờ Forbes cho hay Thống đốc Texas Greg Abbott hôm 28/1 đã tuyên bố sẽ khởi kiện chính quyền Tân Tổng thống Biden về hàng loạt sắc lệnh môi trường mà ông Biden đã ký trong ngày đầu tiên nhậm chức, có nguy cơ tổn thương ngành năng lượng của Mỹ. 

Song song với nỗ lực kiện tụng, ông Greg Abbott cũng ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan bang Texas sử dụng “mọi quyền hạn và công cụ hợp pháp” để chống lại những hành động của chính quyền Biden gây rủi ro đe dọa ngành năng lượng của Mỹ nói chung và bang nói riêng. Texas là bang đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của Mỹ, tập trung hàng loạt nhà khai thác và sản xuất dầu. Dưới thời Trump, vị cựu Tổng thống Mỹ đã đưa Mỹ thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới với công nghệ dầu đá phiến, vượt qua cả những gã khổng lồ dầu mỏ như Arab Saudi, Nga… 

Sắc lệnh của ông Abbott có nội dung chỉ trích chính sách mới của ông Biden là một sự phản ánh thái độ “thù địch” với ngành năng lượng truyền thống. Đây được xem là nỗ lực tiếp theo của phe thân đảng Cộng hòa trong việc kiềm chế các động thái đảo ngược di sản Trump của chính quyền Biden. 


NTTD
Cùng chuyên mục