Sacombank liên tục đòi trả cổ tức, NHNN vẫn chưa… gật đầu

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 05/06/2020 12:27 PM (GMT+7)
Theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập (lộ trình đến năm 2025), Sacombank chỉ được chi trả cổ tức cho cổ đông sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận. Trong năm 2019, Sacombank đã tích cực kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại…
Bình luận 0
Sacombank tích cực kiến nghị trả cổ tức nhưng NHNN vẫn chưa… gật đầu - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, phát biểu tại đại hội đồng cổ đông sáng nay (Ảnh: Quốc Hải)

Đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Phong, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán STB), tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2019, diễn ra sáng nay 5/6 tại TP.HCM. 

Theo ông Phong, Sacombank đưa ra phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông dựa trên các cơ sở: Đảm bảo việc trích lập dự phòng theo đề án tái cơ cấu; Đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động và nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường; Đảm bảo hài hòa lợi ích cổ đông.

"Tuy nhiên, đến sáng nay, Sacombank vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của NHNN. Vì vậy HĐQT sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ này", ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, sau 3 năm tái cơ cấu, Sacombank đã dần lấy lại vị thế trên thị trường. Trong đó, năm 2019, mặc dù hoạt động kinh doanh phải chịu nhiều ảnh hưởng do hạn chế về tăng trưởng tín dụng của NHNN, nhưng kết quả kinh doanh khá khả quan.

Cụ thể, tổng tài sản đạt 453.581 tỷ đồng, tăng 11,7%; Tổng vốn huy động đạt 414.185 tỷ đồng, tăng 11,9%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 296.457 tỷ đồng, tăng 15,3%, trong đó cho vay khách hàng đạt 296.030 tỷ đồng, tăng 15,4% đúng với hạn mức NHNN cho phép; Tỷ lệ nợ xấu là 1,9%, giảm 0,22% so với năm trước; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.217 tỷ đồng, tăng 43,2% so với năm 2018; Lợi nhuận sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 37,1% so với năm trước.

Về xử lý nợ xấu, năm 2019 tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng của Sacombank là hơn 18.400 tỷ đồng, trong đó thuộc đề án là 12.409 tỷ đồng. Lũy kế 3 năm tái cơ cấu, Sacombank đã xử lý và thu hồi được 38.346 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm 2020, Sacombank  dự kiến tổng tài sản đạt 498.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019; Tổng vốn huy động đạt 457.200 tỷ đồng, tăng trên 10%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 329.400 tỷ đồng, tăng 11%; Tỷ lệ nợ xấu là kiểm soát dưới 3%; Lợi nhuận trước thuế đạt 2.573 tỷ đồng.

"Mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn dự kiến, HĐQT sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận bằng với lợi nhuận đạt được năm 2019", ông Phong khẳng định.

Trong khi đó, báo cáo về hoạt động điều hành năm 2019, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho hay, sau 3 năm tái cơ cấu, Sacombank từng bước tối ưu hóa được các danh mục tài sản. Các chỉ số sinh lời cải thiện rõ rệt so với thời điểm trước khi triển khai đề án khi ROE tăng gấp 27 lần; ROA tăng gấp 23 lần và NIM tăng gấp 1,5 lần. Lũy kế thu hồi và xử lý nợ xấu sau 3 năm lên tới 38.346 tỷ đồng. Tài sản tồn đọng giảm 35,6% so với hồi cuối năm 2016, hiện chỉ còn tỷ trọng 13,8% trong tổng tài sản.

"Điểm đáng chú ý trong năm 2020 này là Sacombank quyết định cân đối phù hợp giữa việc phát triển kinh doanh và điều tiết một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng, thông qua việc cơ cấu nợ cho hơn 25.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cung ứng gói vay ưu đãi lãi suất 10.000 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1%, và hàng loạt các biện pháp khác, nhằm chung tay với  Chính phủ và ngành ngân hàng để cùng chống chọi với dịch bệnh", bà Diễm nói thêm.

Cũng theo bà Diễm, dự kiến năm nay Covid-19 có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận từ 800 - 1.000 tỷ đồng, vì vậy kế hoạch lợi nhuận năm nay mới được điều chỉnh giảm so với năm 2019.

Sacombank tích cực kiến nghị trả cổ tức nhưng NHNN vẫn chưa… gật đầu - Ảnh 2.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ về quyết tâm thực hiện tái cơ cấu, đưa Sacombank trở lại vị thế số 1 thị trường (Ảnh: Quốc Hải)

Cũng tại đại hội lần này, Sacombank cũng đã công bố về tình hình hoạt động của các công ty con trong năm 2019. Cụ thể, trong 6 công ty con của Sacombank thì có và 5 đơn vị hoạt động có lãi trong năm 2019. Trong đó, Công ty Quản lí nợ và Khai thác tài sản (SBA) là công ty mang về nhiều lợi nhuận nhất cho ngân hàng trong năm 2019 với 150 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước.

Công ty Cho thuê tài chính (SBL) lợi nhuận đạt hơn 79 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước.

Công ty kiều hối (SBR) mặc dù vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng hoạt động kiều hối đã phục hồi mạnh mẽ với doanh số tăng 48% so với năm trước. Vì vậy lợi nhuận hiện đã thực dương, đạt 0,4 tỷ đồng, tăng 109% so với năm 2018.

Về Công ty vàng bạc đá quí (SBJ), trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện nhưng hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tăng trưởng cao với doanh thu tăng hơn 6 lần so với năm trước. Đồng thời nhờ kiểm soát chi phí vốn hiệu quả mang lại lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng, tăng 158%.

Ngoài ra, Sacombank có hai ngân hàng con tại Lào và Campuchia. Trong đó, tại Sacombank Lào, với tăng trưởng tích cực về qui mô cùng với việc tái cơ cấu hoạt động theo hướng phân tán, nhỏ lẻ, giảm tỷ trọng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, lợi nhuận đạt được trong năm 2019 là hơn 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng).

Trong khi đó, tại Sacombank Camboda Plc, lợi nhuận vẫn còn âm 2,6 triệu USD do tiếp tục trích lập dự phòng. Trong năm 2019, ngân hàng này đã xử lí, thu hồi được hơn 7 triệu USD nợ xấu, giảm hơn 6% tỉ lệ nợ quá hạn và giảm lỗ đáng kể so với năm trước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem