Sản phẩm du lịch OCOP 4 sao ở Tuyên Quang có gì độc, lạ mà khách Tây, khách ta ùn ùn kéo đến?

Hoàng Anh Thứ hai, ngày 21/02/2022 06:33 AM (GMT+7)
Mô hình du lịch cộng đồng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nở rộ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nằm trong Tổ hợp tác 99 ngọn núi, homestay An Na là một trong những sản phẩm du lịch OCOP 4 sao khiến khách Tây, khách ta đều mong muốn được trải nghiệm.
Bình luận 0

Một tuần làm nông dân

 "Khác với nước Australia hiện đại và náo nhiệt, Việt Nam thật mộc mạc và thú vị!", đó là những điều anh Lachlan Mammen - du khách người Australia cảm nhận khi tham gia tour trải nghiệm "một tuần làm nông dân" tại homestay An Na (xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang).

Theo vị khách phương xa, chuyến đi này cho anh những lần đầu tiên không thể nào quên. Nhóm anh được cùng người dân tộc cày ruộng bằng trâu, làm đất cấy lúa, lên rừng hái chè, rau dại, ra suối bắt cá... Sau khi "vào vai" nông dân, du khách nghỉ ngơi trong chòi lá, thưởng thức ấm trà có vị chát nhẹ, đậm chất đồng quê.

Không chỉ tạo ấn tượng nước ngoài, sản phẩm OCOP 4 sao homestay An Na còn thu hút du khách trong nước với những hoạt động nghỉ dưỡng, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. 

Du lịch “3 cùng” đạt OCOOP 4 sao - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm tour du lịch “một tuần làm nông dân” tại Khu du lịch cộng đồng homestay An Na. Ảnh: Tuyên Quang

"Chúng tôi trân trọng và giữ gìn mọi thứ thuộc về văn hóa của người Tày như kiến trúc nhà sàn, phong tục tập quán và ẩm thực. Điều quan trọng là cách tổ chức tour độc-lạ chỉ có ở Lâm Bình và làm dịch vụ sao cho khách du lịch cảm thấy hài lòng và muốn trở lại nhiều lần".

Anh Ma Văn Cương

Chia sẻ với PV NTNN, chủ homestay An Na cho biết, một tour của homestay này sẽ đưa đoàn khách tham quan lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang mênh mông sóng nước, rộng 8.000ha thuộc 2 huyện Na Hang, Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang).

Khi thuyền cập vào bến, đoàn tiếp tục leo vượt núi tìm đến thác ba tầng Khuổi Nhi. Đặc biệt nhất nằm ở những khe nước nhỏ, nơi tập trung nhiều cá suối "massage". Khách tới trải nghiệm sẽ được ngâm chân dưới khe suối, những con cá nhỏ chỉ chừng ngón tay, thân thon dài bu lại, bắt đầu rỉa da massage.

Sau một ngày "lên rừng, vượt thác" thấm mệt, du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc, một trong những hoạt động được ưa thích nhất ở homestay An Na. Theo đó, loại nước tắm của người Tày được kết hợp bởi hàng chục loại thảo dược giúp du khách thư giãn gân cốt, lưu thông khí huyết, thải độc cơ thể, xua tan mệt mỏi và an thần, tĩnh tâm.

Vào buổi tối, khách du lịch sẽ được thưởng thức các món ăn độc - lạ như xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến, rau hôi, bún thối... cùng với các chương trình giao lưu văn nghệ, múa sạp và lửa trại...

Sự kết hợp giữa du lịch trải nghiệm kết hợp với sinh thái, nghỉ dưỡng ở homestay An Na thật sự "hút" kháchdu lịch trong, ngoài nước về với Lâm Bình.

Hút khách nhờ yếu tố độc-lạ

Anh Ma Văn Cương - chủ homestay An Na cho biết Lâm Bình có nhiều yếu tố để trở thành điểm đến du lịch mới của Tuyên Quang như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng dân tộc và văn hóa dân tộc, ẩm thực phong phú.

"Chúng tôi trân trọng và giữ gìn mọi thứ thuộc về văn hóa của người Tày như kiến trúc nhà sàn, phong tục tập quán và ẩm thực. Điều quan trọng là cách tổ chức tour độc-lạ chỉ có ở Lâm Bình và làm dịch vụ sao cho khách du lịch cảm thấy hài lòng và muốn trở lại nhiều lần"- anh Cương nói. 

Hiện, homestay có thể tiếp đón khoảng 65-70 khách/đêm, giá lưu trú và suất ăn hợp lý với túi tiền của khách. Theo anh Cương, ngoài khâu dịch vụ, việc tổ chức tour cũng vô cùng quan trọng. Anh đã liệt kê tất cả những danh lam thắng cảnh, điểm đến văn hóa của Lâm Bình để tổ chức thành nhiều tour ngắn, dài phù hợp với nhu cầu của du khách, kết hợp giữa tham quan, trải nghiệm, ẩm thực và văn hóa.

Trong đó, tour trải nghiệm "một tuần làm nông dân", tour khám phá, nghỉ dưỡng khác biệt và được đón nhận nhiều nhất. 

"Sau khi tổ hợp tác du lịch cộng đồng đạt OCOP 4 sao của tỉnh, khách du lịch biết và đến với chúng tôi đông hơn. Năm 2020, chúng tôi tiếp đoán khoảng hơn 1.000 lượt khách, tạo việc làm cho 5 lao động"- anh Cương nói.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, dịch Covid-19 tàn phá ngành du lịch, các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội khiến lượng khách đến tham quan giảm mạnh, đỉnh điểm từ tháng 7 - 10. Sau nghị quyết 128 của Chính phủ, các tỉnh thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 nhưng hoạt động du lịch chưa "tỉnh giấc" sau kỳ nghỉ dài.

Anh Cương cho biết số vốn đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng chưa kịp thu hồi đã vấp phải dịch Covid-19. Điều các homestay cần nhất lúc này là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về cơ sở vật chất, vốn vay để vực dậy ngành du lịch địa phương, tạo sinh kế ổn định cho người dân. 

Ngoài ra, về lâu dài, các homestay rất cần những chương trình tập huấn về ngoại ngữ, quy cách tổ chức, phục vụ để nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng ở Lâm Bình nói riêng và các sản phẩm OCOP du lịch nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem