Sáng kiến Vành đai và Con đường: Kenya khó trả nợ, tìm cách đàm phán lại với Trung Quốc

04/10/2020 07:54 GMT+7
Gánh nặng nợ của Kenya với Trung Quốc phát sinh từ tuyến đường sắt Mombasa-Naivasha đang là nổi bật những vấn đề nghiêm trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Sáng kiến Vành đai và Con đường: Kenya khó trả nợ, tìm cách đàm phán lại với Trung Quốc - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Mombasa-Naivasha tại Kenya hoàn tất năm 2017 nhưng hiệu quả kinh tế của nó không như mong đợi

Theo các nhà quan sát, nhiều dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng được hiện thực hóa với sự tài trợ của Trung Quốc đang có nguy cơ đổ bể do sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương Kenya.

Khả năng sinh lời kém từ các dự án này khiến gánh nặng nợ của Kenya trở nên tồi tệ hơn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19. Tuần trước, chính phủ Kenya đã phải kêu gọi Trung Quốc đàm phán lại các khoản vay mà Ngân hàng EximBank Trung Quốc tài trợ cho dự án đường sắt Mombasa-Naivasha kéo dài 580 km, dù dự án đã hoàn thành từ năm 2017.

Bên cạnh đó, Ủy ban Giao thông Kenya còn kêu gọi chính phủ yêu cầu công ty quản lý đường sắt Africa Star Railway trực thuộc Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) cắt giảm 50% chi phí quản lý dự án trị giá 10 triệu USD hàng tháng. Công ty Trung Quốc Africa Star Railway là bên tham gia điều hành tuyến tàu chở khách và hàng hóa Mombasa-Naivasha trong khi Kenya Railway thay mặt chính phủ địa phương giám sát dự án.

Theo Ủy ban này, việc đàm phán lại các điều khoản nợ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho chính phủ Kenya khi nguồn thu thuế quốc gia giảm mạnh vì đại dịch Covid-19.

Trước đó, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc CRBC (trực thuộc Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc CCCC) đã được trao hợp đồng trị giá 3,2 tỷ USD vào năm 2014 để tham gia xây dựng tuyến đường sắt Mombasa-Naivasha, phân đoạn Mombasa-Nairobi. CCCC sau đó tham gia xây dựng đoạn mở rộng còn lại từ Nairobi đến Naivasha với giá 1,5 tỷ USD.

Để xây dựng dự án này, chính phủ Kenya phải gánh 2 khoản vay có lãi suất từ Ngân hàng EximBank Trung Quốc với thời hạn trả kéo dài 20 năm. Trong đó, một khoản vay trị giá 1,6 tỷ USD theo lãi suất thương mại và một khoản vay 1,6 tỷ USD khác có lãi suất chiết khấu.

Mặc dù chính phủ Kenya đã trả được đợt thanh toán lãi đầu tiên trị giá 350 triệu USD hồi tháng 1 nhưng đang đứng trước khó khăn lớn để hoàn tất đợt thanh toán tiếp theo do tuyến đường sắt không mang về lợi nhuận kinh tế tương xứng. Năm ngoái, doanh thu từ tuyến đường sắt này đạt 130 triệu USD không đủ để bù đắp chi phí vận hành lên tới 170 triệu USD. Thêm vào đó, các khoản nợ chi phí quản lý Kenya chưa thanh toán cho Africa Star Railway hiện đã lên tới 380 triệu USD.

“Các vấn đề cố hữu của dự án cùng với sức ép đáng kể phát sinh từ đại dịch Covid-19 đã khiến Kenya nỗ lực đàm phán lại” - nhận định của chuyên gia kinh tế chính trị và quan hệ quốc tế Lee Jones tại Đại học Queen Mary, London.

Động thái này cũng làm tăng thêm những bê bối xoay quanh dự án đường sắt thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc triển khai tại Kenya. Hồi tháng 6, tòa án Kenya đã đưa ra phán quyết rằng hợp đồng xây dựng đường sắt giữa Kenya Railway và Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) trong dự án đường sắt Standard Gauge là bất hợp pháp vì Kenya Railway đã vi phạm luật quốc gia trong việc đấu thầu mua sắm dự án.

Chuyên gia khoa học chính trị Shahar Hameiri của Đại học Queensland chỉ ra rằng Trung Quốc đang góp phần tăng khả năng nợ xấu tại các dự án Vành đai và Con đường do hệ thống tài chính thiếu đồng bộ và các tiêu chuẩn thẩm định không phù hợp để đánh giá rủi ro nhiều dự án. “Hệ thống tài chính Trung Quốc được thiết kế để giải quyết vấn đề thừa năng lực của quốc gia… Xu hướng cơ bản của phía Trung Quốc là phê duyệt các dự án và cấp vốn”.

Hiện một số quốc gia Châu Phi như Ethiopia, Cộng hòa Congo và Angola đã thành công trong việc đàm phán lại các khoản nợ từ các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường với Trung Quốc. 


Thùy Dung
Cùng chuyên mục