Sắp có vaccine dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 25/02/2022 12:00 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Tới đây, khi vaccine được công bố sẽ có hiệu quả tiêm rất cao và tạo ra đột phá cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận 0
Có vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ tạo đột phá cho chăn nuôi lợn phát triển - Ảnh 1.

Công nhân chăn nuôi lợn tại trang trại ở Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: HĐ

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp

Thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2021, đối với dịch cúm gia cầm, đã xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 457 nghìn con gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 2020.

Có 3 chủng vi rút cúm gia cầm lưu hành gồm: A/H5N1 (xảy ra ở 8 tỉnh); A/H5N6 (xảy ra ở 23 tỉnh, thành phố); đặc biệt từ giữa tháng 6/2021 xuất hiện chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm vào Việt Nam và đã lây lan tại 15 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 47 nghìn con gia cầm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 3 tỉnh, thành phố Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Nội với tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy 13.600 con. Các ổ dịch này đều chưa qua 21 ngày.

Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn. Hiện nay, cả nước có 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Ngoài ra, đối với bệnh lở mồm long móng, từ đầu năm 2022 đến nay, có 1 ổ dịch phát sinh tại tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh này.

Hiện cả nước có khoảng 3.700 cơ sở, trang trại chăn nuôi và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đặc biệt nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn đã xây dựng thành cơ sở, trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tại hội nghị, đại diện Cục Thú y cũng chỉ ra những khó khăn còn tồn tại trong công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật. Đó là việc tổng đàn vật nuôi của cả nước lớn, trong khi đó phần lớn được nuôi theo hình thức truyền thống, manh mún, nông hộ, không bảo đảm an toàn sinh học, thường trực nguy cơ phát sinh dịch bệnh...

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng bán chạy gia súc, gia cầm ốm là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho cho công tác khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường cũng là yếu tố cần phải tính đến để hạn chế những tác động xấu đến việc tổ chức sản xuất và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay trong những tháng đầu năm.

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình còn cho biết, hiện nguồn lực tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật còn hạn hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Hơn nữa ở Hòa Bình còn tình trạng người chăn nuôi chủ quan, lơ là chưa quan tâm đến tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm khiến nguy cơ xảy ra một số bệnh truyền nhiễm trên động vật càng cao hơn.

Một số ý kiến đại biểu chia sẻ tại hội nghị còn băn khoăn với việc sáp nhập trạm chăn nuôi và thú y về cấp huyện quản lý, tuy giảm được đầu mối, nhưng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc nắm bắt, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh ban đầu và triển khai thực hiện công tác tiêm phòng, công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.

Có vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ tạo đột phá cho chăn nuôi lợn phát triển - Ảnh 3.

Nông dân chăm sóc gà tại Phù Ninh (Phú Thọ). Ảnh: HĐ

Cuối quý I/2022 sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi

Để bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, nhiều đại biểu đã kiến nghị các giải pháp như cần thống nhất trong thực hiện chính sách hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy bắt buộc do bệnh dịch tả lợn châu Phi; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi như đã công bố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn, khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương cho rằng, cần tăng cường năng lực thú y các cấp theo Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,…

Nhận định tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, ông Nguyễn Văn Long đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine cho đàn gia súc, gia cầm (trừ  bệnh dịch tả lợn châu Phi là chưa có vaccine), tăng cường giám sát các ổ dịch, trong đó có các dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời có các giải pháp ứng phó, xử lý hữu hiệu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, kiểm soát tốt dịch bệnh trên động vật và thủy sản sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tái đàn, tăng đàn vật nuôi.

Do đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương cần bố trí các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch bệnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật, nhất là thủy sản ngay từ đầu năm. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2022.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm, đến nay, các cơ quan triển khai khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi tại 2 cơ sở phía Bắc và phía Nam đã xong và Hội đồng của Cục Thú y cũng đã họp và lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị công bố vắc xin vào cuối quý I và đầu quý II/2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem