Sau kiểm toán lòi dự án BOT "ăn gian" 5,5 năm thu phí

Vinh Hải Thứ năm, ngày 15/09/2016 14:35 PM (GMT+7)
Dưới góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cơ chế xin – cho cùng “ân huệ” thỏa thuận ở các dự án BOT giao thông đã khiến người dân bức xúc.
Bình luận 0

Sáng nay (15.9), KTNN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”. Tại đây, hàng loạt những bất cập của các dự án BOT giao thông tiếp tục được đặt ra phân tích, mổ xẻ.

Đánh giá cao việc huy động được hơn 170 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực hạ tầng giao thông 5 năm qua, nhưng ông Ngô Văn Quý – Trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV (lĩnh vực đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở) cho rằng còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

img

Dự án BOT cầu Hạc Trì là một trong những dự án bị người dân phản đối nhiều thời gian qua, vì cơ qua chức năng đã chặn cầu Việt Trì cũ "ép" dân đi cầu mới

Trước hết là tính độc quyền của các dự án. Ông Quý chỉ ra hầu hết các dự án BOT giao thông đều lựa chọn cầu, đường thuộc tuyến độc đạo để đầu tư. Từ đây tạo thế độc quyền cho nhà đầu tư thu lợi.

“Như ở các dự án đường tránh, nhà đầu tư xin làm thêm 5 – 10km ở quốc lộ gọi là dự án tăng cường mặt đường rồi đặt trạm thu phí. Người dân đi qua 5 – 10km đó, không sử dụng đường tránh cũng phải trả tiền” – ông Ngô Văn Quý cho hay.

Qua kiểm tra thực tế, Kiểm toán chuyên ngành IV cho rằng khi tính toán phương án tài chính ban đầu dựa vào lưu lượng xe, mỗi nhà đầu tư lại làm một khác. Cụ thể, có nhà đầu tư chỉ đếm xe 2 ngày rồi quy ra cả 365 ngày trong một năm. 

Ông Ngô Văn Quý cho biết thêm: “Chúng ta đã có quy định trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70km nhưng không hiểu sao Bộ Tài chính lại cho cơ chế mềm là trong trường hợp dưới 70km thì thỏa thuận với địa phương rồi trình lên. Đây là cơ chế xin cho gây bức xúc trong nhân dân. Thêm nữa, việc Bộ GTVT thỏa thuận với nhà đầu tư trên cơ sở những dự án tương tự như tạo ra ân huệ thỏa thuận”.

Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị loại bỏ “cơ chế mềm” trong việc phân định khoảng cách giữa các trạm thu phí.

Còn ông Lưu Trường Kháng – Phó Kiểm toán trưởng chuyên ngành V cho rằng hiện chưa có cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định dự án đầu tư BOT giao thông mà do nhà đầu tư tự thực hiện nên không được khách quan.

Ông Kháng cho hay: “Chính vì vậy thời gian thu phí được ký kết chưa chính xác. Có dự án sau khi được kiểm toán đã chỉ ra chênh lệch thời gian thu phí so với phương án ban đầu đến 25%, tương đương với 5,5 năm”.

Lý giải cái gốc những bức xúc của người dân đối với các dự án BOT giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Người dân kêu nhiều vì Nhà nước quên đi vai trò, nghĩa vụ của mình. Ở đây là Nhà nước được ủy quyền để xây dựng hạ tầng phù hợp vói sự đóng góp của người dân. Nhưng vì một lý do nào đó đã để nhà đầu tư BOT không cho người dân được quyền lựa chọn dịch vụ cung ứng”.

Theo ông Kiên, ngay từ khi lập dự án khả thi Nhà nước phải đứng ra thực hiện sau đó đấu thầu rộng rãi thay vì việc chỉ định thầu dự án BOT như hiện nay.

Bộ GTVT cũng đã thừa nhận những khuyết điểm, hạn chế của hình thức BOT trong thời gian qua và cho biết sẽ thực hiện nhiều biện pháp để có thể hài hòa lợi ích khi thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư.

Được biết, đầu năm 2017 Kiểm toán Nhà nước sẽ công bố kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Theo Kiểm toán Nhà nước việc bố trí các trạm thu phí hoàn vốn cho một số Dự án còn chưa theo quy hoạch, chưa theo quy định, mức thu, thời gian thu chưa hợp lý đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ kiểm toán các dự án BOT để tăng tính minh bạch, hạn chế thất thoát, giảm bớt gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem