Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Anh, G7 dự kiến tài trợ 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 cho các nước nghèo

12/06/2021 12:55 GMT+7
Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Boris Johnson, các nhà lãnh đạo nhóm G7 dự kiến sẽ cam kết tài trợ 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 cho các nước nghèo trong Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra cuối tuần này.

Trước đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị chỉ trích vì “gom vắc xin” và không chia sẻ với các quốc gia nghèo. Chẳng hạn, Mỹ bị chỉ trích vì ra sắc lệnh cấm xuất khẩu vắc xin chừng nào đạt đến mức độ tiêm chủng nhất định trong nước. Anh và EU cũng nhận về những chỉ trích tương tự.

Trong một cuộc họp báo hôm 9/4, Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố các quốc gia giàu có đã mua phần lớn nguồn cung vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, trong khi các quốc gia nghèo mới chỉ nhận được chưa đầy 1% trong tổng nguồn cung đó. Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus từ Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng đến thời điểm đầu tháng 4, trong số 700 triệu liều vắc xin đã được phân phối trên toàn cầu, “hơn 87% đã đến các nước có thu nhập cao hoặc thu nhập trên trung bình, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ nhận được khoảng 0,2%”.

Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Anh, G7 dự kiến tài trợ 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 cho các nước nghèo - Ảnh 1.

Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Anh, G7 dự kiến tài trợ 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 cho các nước nghèo (Ảnh: Bloomberg)

Do đó, trong nỗ lực chấm dứt đại dịch toàn cầu vào năm tới, nhóm nước G7 bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản dự kiến sẽ đẩy mạnh viện trợ vắc xin cho các quốc gia nghèo. Trong đó, Anh hôm 8/6 đã cam kết viện trợ ít nhất 100 triệu liều vắc xin dư thừa từ chiến dịch tiêm chủng trong nước đến các quốc gia đang phát triển trong năm tới. “Trong tình thế khẩn cấp hiện nay, tất cả các quốc gia cần hành động nhanh chóng hơn. Vì vậy, tôi muốn kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến G7 thực hiện một cam kết vô cùng cấp thiết: tài trợ 1 tỷ liều vắc xin cho các nước đang phát triển để đạt mục tiêu tiêm chủng cho mọi công dân toàn cầu vào cuối năm sau” - Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh.

“Chưa từng có chiến dịch quy mô khổng lồ như thế từng được kêu gọi trước đây, và nếu bạn nghi ngờ rằng liệu nó có thể thành công hay không, bạn hãy nhìn lại những thành tựu chưa từng có mà thế giới đã tạo ra từ nghịch cảnh của thảm họa đại dịch này. Các nhà khoa học của chúng ta đã phát minh ra vắc xin chống Covid-19 nhanh hơn bất kỳ căn bệnh nào đã được nghiên cứu vắc xin trước đây. Anh và nhiều quốc gia khác đang tiến hành tiêm chủng với một tốc độ nhanh chưa từng có.

Giờ đây, chúng ta phải mang tinh thần khẩn trương ấy vào một nỗ lực trên toàn cầu để bảo vệ nhân loại ở khắp nơi trên hành tinh. Ta có thể thực hiện và ta phải thực hiện sứ mệnh ấy. Hội nghị thượng đỉnh G7 tới đây nên là chìa khóa cho sứ mệnh này” - ông Boris Johnson nói thêm khi Anh là nước chủ trì Hội nghị nhóm G7 sắp tới.

Đầu tuần này, Mỹ cũng cam kết tặng 500 triệu liều vắc xin Pfizer cho các quốc gia thu nhập thấp. 

Cũng trong ngày 9/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người sẽ đại diện cho EU tại Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới cũng cam kết thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng toàn cầu nhằm mục đích chấm dứt đại dịch vào năm 2022.

Các quan chức cấp cao quốc tế đều thừa nhận việc chia sẻ vắc xin là con đường duy nhất nhằm chấm dứt hoàn toàn đại dịch đang càn quét toàn thế giới. Miễn là virus còn tồn tại, nó sẽ tiếp tục đột biến và lây lan ra toàn cầu. Càng kéo dài các biện pháp đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội, sản lượng kinh tế toàn cầu càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Đã có hơn 174 triệu ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay. Thảm họa y tế đã cướp đi sinh mạng 3,7 triệu người, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Tháng trước, Mỹ đã gây bất ngờ khi quay đầu ủng hộ ý tưởng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin Covid-19 trong nỗ lực giải quyết khẩn cấp tình trạng khan hiếm vắc xin toàn cầu, trán kéo dài cuộc khủng hoảng y tế.


NTTD
Cùng chuyên mục