Nguyên văn thông điệp Thủ tướng Anh kêu gọi G7 viện trợ 1 tỷ liều vắc xin cho các nước đang phát triển

11/06/2021 18:07 GMT+7
"Nhưng trong tình thế khẩn cấp hiện nay, tất cả các quốc gia cần hành động nhanh chóng hơn. Vì vậy, tôi muốn kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến G7 thực hiện một cam kết vô cùng cấp thiết: tài trợ 1 tỷ liều vắc xin cho các nước đang phát triển để đạt mục tiêu tiêm chủng cho mọi công dân toàn cầu vào cuối năm sau."

“Không có bằng chứng nào vừa bi thảm lại vừa thuyết phục hơn về tính cấp thiết của sự hợp tác toàn cầu hơn đại dịch kinh hoàng đã càn quét thế giới và cưới đi sinh mạng của hơn 3,7 triệu người.

Lần đầu tiên kể từ khi thảm họa đại dịch bùng phát đến nay, các nhà lãnh đạo nhóm G7 sẽ trực tiếp đối thoại trong một Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra tại Cornwall mà Anh giữ vai trò chủ nhà. Tôi cũng đã mời các nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Úc, Tổng thống Hàn Quốc và Nam Phi để lắng nghe những ý kiến đa dạng hơn từ các nền xã hội tự do, dân chủ.

Nhiệm vụ chung của chúng ta là đưa thế giới bước qua đại dịch, giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát và tái thiết kinh tế - xã hội sau thảm kịch này.

Trọng tâm Hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall sẽ là cuộc thảo luận giữa các nền kinh tế lớn và tiên tiến bậc nhất thế giới về việc tận dụng mọi nguồn lực và chuyên môn để chống lại kẻ địch chung - đại dịch.

Những nghiên cứu chuyên môn và nhẫn nại của giới khoa học đã đem đến cho chúng ta những loại vắc xin an toàn và hiệu quả trước đại dịch. Nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng ta là sử dụng những vắc xin này để bảo vệ nhân loại, càng nhanh càng tốt.

Nguyên văn thông điệp Thủ tướng Anh kêu gọi G7 viện trợ 1 tỷ liều vắc xin cho các nước đang phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johsnon và vắc xin AstraZeneca (Ảnh: Reuters)

Vương quốc Anh đã hỗ trợ thành lập Sáng kiến tiếp cận vắc xin Covid-19 mang tên COVAX, một liên minh toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới lãnh đạo, cho đến nay đã giúp cung cấp 80 triệu liều vắc xin đến các nước đang phát triển. Hầu hết nguồn cung đều là vắc xin AstraZeneca được phát triển với sự hỗ trợ của chính phủ Anh, giá thành rẻ và sễ dàng bảo quản, có khả năng bảo vệ người dân trên thế giới trước đại dịch.

Cho đến nay, Anh đã đóng góp 548 triệu bảng Anh (773 triệu USD) cho sáng kiến COVAX. Chúng tôi cũng cam kết tài trợ phần lớn lượng vắc xin dư thừa từ chương trình tiêm chủng trong nước đến các nước nghèo.

Nhưng trong tình thế khẩn cấp hiện nay, tất cả các quốc gia cần hành động nhanh chóng hơn. Vì vậy, tôi muốn kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến G7 thực hiện một cam kết vô cùng cấp thiết: tài trợ 1 tỷ liều vắc xin cho các nước đang phát triển để đạt mục tiêu tiêm chủng cho mọi công dân toàn cầu vào cuối năm sau.

Chưa từng có chiến dịch quy mô khổng lồ như thế từng được kêu gọi trước đây, và nếu bạn nghi ngờ rằng liệu nó có thể thành công hay không, bạn hãy nhìn lại những thành tựu chưa từng có mà thế giới đã tạo ra từ nghịch cảnh của thảm họa đại dịch này. Các nhà khoa học của chúng ta đã phát minh ra vắc xin chống Covid-19 nhanh hơn bất kỳ căn bệnh nào đã được nghiên cứu vắc xin trước đây. Anh và nhiều quốc gia khác đang tiến hành tiêm chủng với một tốc độ nhanh chưa từng có. 

Giờ đây, chúng ta phải mang tinh thần khẩn trương ấy vào một nỗ lực trên toàn cầu để bảo vệ nhân loại ở khắp nơi trên hành tinh. Ta có thể thực hiện và ta phải thực hiện sứ mệnh ấy. Hội nghị thượng đỉnh G7 tới đây nên là chìa khóa cho sứ mệnh này. 

Nhưng thực tế là ngay cả khi chúng ta thành công, những nỗ lực của chúng ta vẫn sẽ đổ sông đổ bể nếu một loại virus gây chết người khác xuất hiện và gây ra thảm họa thêm một lần nữa. Đó là lý do vì sao chúng ta cần tăng cường nỗ lực tập thể để ngăn chặn một đại dịch khác, đồng thời đưa ra cảnh báo sớm về các mối đe dọa trong tương lai, bao gồm cả việc tạo ra một mạng lưới giám sát, một radar phát hiện đại dịch trên toàn cầu. 

Các nhà khoa học của chúng ta chỉ mất 300 ngày để giải mã dịch Covid-19 và sản xuất ra vắc xin, nhưng chúng ta cần nhanh hơn nữa. Hội nghị thượng đỉnh G7 trước mắt sẽ là một nỗ lực mới nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển vắc xin, phương pháp điều trị cho bất kỳ loại virus nào từ 300 ngày xuống chỉ còn 100 ngày.

Và ngay cả khi chúng ta thành công giảm thiểu rủi ro xảy ra một thảm họa đại dịch tương tự, chúng ta vẫn có nghĩa vụ đảm bảo sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn từ thảm kịch ngày hôm nay. Chúng ta phải thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu dựa trên những nền tảng xanh và lành mạnh hơn.

Có một sự thực đáng phẫn nộ, hiện là trở ngại nghiêm trọng với tăng trưởng kinh tế: hàng triệu bé gái trên khắp thế giới cho đến nay vẫn không được học hành. Điều đó kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội. Mục tiêu chung của chúng tôi là đưa thêm 40 triệu bé gái đến trường vào năm 2025. Tôi sẽ kêu gọi G7 và các nguyên thủ quốc gia có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh tới đây hành động nhiều hơn cho mục tiêu giáo dục bằng cách huy động 5 tỷ USD cho các trường học ở những quốc gia đang phát triển.

Khi nhiều trẻ em được đến trường hơn, chúng ta cần tạo việc làm để chúng phát huy được năng lực và bảo vệ môi trường mà chúng sẽ là thế hệ thừa kế. G7 có thể đạt được cả hai mục tiêu là thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp xanh và cam kết giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030, qua đó xóa bỏ nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C.

Chúng ta sẽ đưa thế giới cùng nhau hướng đến những mục tiêu thiết yếu này khi Vương quốc Anh đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 26 Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11 tới. Đồng thời, tôi muốn G7 bảo vệ đa dạng sinh học cho các thế hệ tương lai bằng cách cam kết bảo vệ ít nhất 30% đất đai và đại dương của chúng ta vào năm 2030.

Chúng ta cũng nên cung cấp cho các nước đang phát triển những khoản đầu tư minh bạch và chất lượng cao để xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia xanh và sạch, thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Đây là một chương trình nghị sự tiềm năng trong nỗ lực thúc đẩy đà phục hồi toàn cầu. Nó đầy tham vọng nhưng có khả năng đạt được, miễn là chúng ta đủ quyết tâm và linh hoạt. Vương quốc Anh với vai trò chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ cùng các nền dân chủ đặt nền tảng cần thiết cho nỗ lực to lớn này, bất chấp những thách thức lớn lao trước mắt.”


NTTD
Cùng chuyên mục