Sau những tháng biến động, rủi ro nào chờ đợi bitcoin vào nửa cuối năm?

02/07/2021 05:59 GMT+7
Một trong những rủi ro lớn nhất với bitcoin nói riêng và thị trường tiền điện tử nói chung hiện tại là việc các chính phủ có xu hướng siết chặt quy định.

Cho đến tháng 4/2021, bitcoin rõ ràng đã có khoảng thời gian ngoạn mục khi tiến đến mức đỉnh thời đại gần 65.000 USD. Nhưng kể từ đó đến nay, đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất hành tinh đã trượt giá khoảng 47% so với mức kỷ lục. Các nhà phân tích chỉ ra bitcoin có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro trong nửa cuối năm nay.

Quy định của các chính phủ

Một trong những rủi ro lớn nhất với bitcoin nói riêng và thị trường tiền điện tử nói chung hiện tại là việc các chính phủ có xu hướng siết chặt quy định.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực siết chặt quy định trong ngành công nghiệp tiền điện tử, chẳng hạn đóng cửa hàng loạt mỏ khai thác tiền điện tử tiêu tốn lượng điện năng khổng lồ hay ra lệnh cho các nhà băng và tổ chức tài chính ngừng giao dịch với các công ty tiền điện tử.

Tại Anh, các nhà quản lý cũng có động thái mạnh tay khi cấm sàn giao dịch tiền kỹ thuật số hàng đầu Binance thực hiện một số hoạt động kinh doanh. Cơ quan quản lý tài chính Anh FCA cũng yêu cầu những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử bắt buộc phải đăng ký hoạt động. 

Sau những tháng biến động, rủi ro nào chờ đợi bitcoin vào nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Nhiều chính phủ trên thế giới đã cảnh báo về các rủi ro từ thị trường tiền điện tử (Ảnh: Bloomberg)

Ở Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và các quan chức khác từ lâu đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tiền điện tử được sử dụng trong các giao dịch bất hợp pháp. “Tôi không nghĩ rằng bitcoin nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch” - bà Janet Yellen trả lời tờ CNBC tại một hội nghị của New York Times. “Ở mức độ mà nó đang được sử dụng hiện nay, tôi cho rằng việc sử dụng bitcoin (như một tài sản thanh toán tài chính) là bất hợp pháp. Vô cùng kém hiệu quả khi thực hiện các giao dịch (bằng bitcoin), năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch như vậy là rất lớn”.

Bên cạnh tính hợp pháp, bà Janet còn bày tỏ quan ngại về sự thiếu ổn định của đồng bitcoin, khi giá bitcoin liên tục lập đỉnh rồi lại rớt sâu xuống đáy trong suốt hơn một thập kỷ qua, kể từ khi nó xuất hiện đến nay. “Đó là một tài sản có tính đầu cơ cao… Tôi nghĩ mọi người nên cảnh giác về sự biến động quá lớn của nó. Tôi quan ngại sâu sắc về những tổn thất tiềm ẩn mà các nhà đầu tư có thể phải chịu”.

Các nhà kinh tế UBS cũng cảnh báo việc tâm lý đầu tư thay đổi hoặc sự siết chặt quy định từ phía các chính phủ có thể là nguyên nhân gây ra vỡ bong bóng trên thị trường tiền điện tử.

Biến động giá

Một rủi ro lớn khác với bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử nói chung là biến động giá mạnh mẽ và dai dẳng.

Giá bitcoin đã tăng lên mức kỷ lục thời đại 64.829 USD vào tháng 4 năm nay trước khi giảm mạnh xuống mức thấp 28.911 USD vào tháng 6 qua, dưới ngưỡng tâm lý 30.000 USD. Hiện bitcoin giao dịch quanh mức giá khoảng 34.000 USD.

Dù vậy, trong 12 tháng qua, cho đến nay, giá bitcoin vẫn tăng hơn 3 lần. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù giảm xuống mức thấp như vậy, giá bitcoin vẫn tăng 16% so với tháng 1, cao hơn hiệu suất tăng của chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lạc quan, tin tưởng bitcoin là “vàng kỹ thuật số”, tài sản trú ẩn an toàn thay thế vàng trước rủi ro lạm phát hiện tại.

Tuy nhiên, UBS cảnh báo việc sử dụng các đồng tiền điện tử trong các giao dịch thế giới thực vẫn rất hạn chế và xu hướng biến động giá bất thường cho thấy nhà đầu tư đổ tiền vào tiền điện tử chủ yếu để đầu cơ, tìm kiếm lợi nhuận.

Vấn đề môi trường

Những lời chỉ trích xoay quanh tác động tiêu cực của bitcoin với môi trường cũng có thể là thách thức tiếp theo với thị trường tiền điện tử trong nửa cuối năm nay.

Thực tế, các thiết bị khai thác và giao dịch bitcoin đòi hỏi nguồn điện năng rất lớn. Vào giữa tháng 5, Hàng trăm tỷ USD đã bị xóa sổ trên thị trường tiền điện tử sau khi Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đăng tweet cho biết nhà sản xuất xe điện sẽ tạm ngừng thanh toán các khoản mua xe điện bằng đồng bitcoin do quan ngại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng cho các hoạt động khai thác và giao dịch bitcoin. 

Điều này đặt ra một thách thức cho các nhà quản lý tài sản, những người đang đứng dưới áp lực ngày càng lớn trong việc hạn chế các khoản đầu tư vào những tài sản kém thân thiện với môi trường. 

Ngoài ra, việc khai thác bitcoin tốn nguồn năng lượng khổng lồ như vậy cũng góp phần thúc đẩy sự can thiệp của chính phủ trong việc cấm các mỏ đào bitcoin, như những gì đã diễn ra ở Nội Mông và Tứ Xuyên của Trung Quốc trong vài tháng qua, theo các nhà phân tích Citigroup.


NTTD
Cùng chuyên mục