Nhà đầu tư nổi tiếng phố Wall tuyên bố đã bán gần hết bitcoin

22/06/2021 15:05 GMT+7
Nhà đầu tư có tiếng Jim Cramer tuyên bố đã bán gần hết bitcoin trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc mới đây tuyên bố đóng cửa nhiều mỏ đào bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên, qua đó làm ngừng hoạt động 90% công suất khai thác bitcoin trên toàn quốc.

Người dẫn chương trình Jim Cramer của CNBC, một nhà phân tích kinh tế có tiếng của Mỹ mới đây tuyên bố đã bán phần lớn số bitcoin nắm giữ sau khi chứng kiến Trung Quốc siết chặt các quy định với hoạt động khai thác tiền điện tử cũng như vai trò của bitcoin trong một số cuộc tấn công mạng ransomware (một hình thức mã độc tống tiền”.

Tuyên bố trên CNBC, Jim Cramer cho hay ông đã bán gần như toàn bộ bitcoin mà mình nắm giữ.

Phát ngôn được đưa ra tại thời điểm giá bitcoin giảm mạnh hơn 6% xuống quanh ngưỡng 32,.000-33.000 USD vào phiên giao dịch 21/6 (giờ Mỹ), mức thấp nhất trong hai tuần qua.

Nhà phân tích kinh tế bày tỏ mối lo ngại khi chính quyền Trung Quốc mới đây tuyên bố đóng cửa nhiều mỏ đào bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên, qua đó làm ngừng hoạt động 90% công suất khai thác bitcoin trên toàn quốc.

Tháng trước, chính quyền khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc cũng đề xuất hình thức xử phạt các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác tiền ảo trong một nỗ lực siết chặt công tác quản lý tiền điện tử. Động thái diễn ra ít ngày sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc lên tiếng tuyên bố cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm hạn chế, ngăn chặn rủi ro cá nhân lan rộng ra các lĩnh vực xã hội. Tuyên bố này đồng nghĩa một thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến những người ưa thích tiền ảo, rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch đàn áp các giao dịch bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử khác trong tương lai.

Nhà đầu tư nổi tiếng phố Wall tuyên bố đã bán gần hết bitcoin - Ảnh 1.

Nhà đầu tư có tiếng phố Wall tuyên bố đã bán gần hết bitcoin (Ảnh; CNBC)

Các đề xuất dự thảo mới nhất của Nội Mông nhằm vào các công ty viễn thông và công ty internet tham gia vào khai thác tiền ảo. Ủy ban Cải cách và Phát triển Nội Mông cho biết các công ty này có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh nếu bị phát hiện có liên quan đến hoạt động khai thác tiền ảo. Các trung tâm dữ liệu hoặc công ty điện toán đám mây cũng có thể bị thu hồi những chính sách hỗ trợ từ chính phủ đang được hưởng nếu liên quan đến hoạt động tương tự.

Ngoài ra, chính quyền Nội Mông cũng công bố những hình phạt nghiêm khắc với cá nhân tham gia rửa tiền hoặc phạm tội thông qua nền tảng tiền kỹ thuật số.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là nơi chiếm hơn 50% công suất khai thác bitcoin trên toàn thế giới. Các thợ đào bitcoin ở Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái bitcoin toàn cầu. Các thợ đào bitcoin sử dụng những máy tính công suất lớn để giải các thuật toán phức tạp và nhận về phần thưởng là bitcoin. Những dàn máy này tốn rất nhiều năng lượng để hoạt động. Dự án chỉ số tiêu thụ điện của bitcoin được thực hiện bởi Đại học Cambridge ước tính hoạt động khai thác bitcoin trên toàn cầu tiêu tốn 112,57 TWh mỗi năm, nhiều hơn tổng điện năng mà các quốc gia như Philippines hay Chile tiêu thụ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Kinh kiên quyến “đàn áp” các mỏ khai thác bitcoin trong bối cảnh một số khu vực xảy ra tình trạng thiếu điện vào mùa hè cao điểm.

Ngoài ra, ông Jim Cramer cùng lo ngại về phản ứng của chính phủ Mỹ với đồng bitcoin sau cuộc tấn công mạng ransomware nhắm vào Colonial Pipeline.

Sự cố mạng vào tháng 5 đã làm gián đoạn nguồn cung khí đốt ở khu vực Đông Nam nước Mỹ, buộc Colonial Pipeline trả 5 triệu USD bằng bitcoin cho các tin tặc. Cho đến nay, các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ mới chỉ lấy lại được 2,3 triệu USD trong tổng số tiền. 

Ngay sau vụ việc của Colonial Pipeline, một nhóm tin tặc ransomware khác đã nhắm mục tiêu vào nhà cung cấp thịt bò lớn nhất thế giới là JBS của Brazil, buộc JBS trả 11 triệu USD bằng bitcoin.

Lo lắng của ông Cramer không phải không có cơ sở. Từ lâu, các quan chức tài chính Mỹ đã đề cao quan điểm thận trọng với đồng tiền điện tử phổ biến nhất hành tinh này. Trong một tuyên bố hồi tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh rủi ro về tính hợp pháp và tính ổn định của bitcoin, đồng tiền điện tử phổ biến nhấn hành tinh. “Tôi không nghĩ rằng bitcoin nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch” - bà Janet Yellen trả lời tờ CNBC tại một hội nghị của New York Times. “Ở mức độ mà nó đang được sử dụng hiện nay, tôi cho rằng việc sử dụng bitcoin (như một tài sản thanh toán tài chính) là bất hợp pháp. Vô cùng kém hiệu quả khi thực hiện các giao dịch (bằng bitcoin), năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch như vậy là rất lớn”.

Bên cạnh tính hợp pháp, bà Janet còn bày tỏ quan ngại về sự thiếu ổn định của đồng bitcoin, khi giá bitcoin liên tục lập đỉnh rồi lại rớt sâu xuống đáy trong suốt hơn một thập kỷ qua, kể từ khi nó xuất hiện đến nay. “Đó là một tài sản có tính đầu cơ cao… Tôi nghĩ mọi người nên cảnh giác về sự biến động quá lớn của nó. Tôi quan ngại sâu sắc về những tổn thất tiềm ẩn mà các nhà đầu tư có thể phải chịu”.


NTTD
Cùng chuyên mục