Sau USICA của Thượng viện, Hạ viện Mỹ thúc đẩy thêm một dự luật cạnh tranh với Trung Quốc

25/06/2021 11:51 GMT+7
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 23/6 đã lên lịch họp để xem xét các đạo luật mở rộng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Theo nguồn tin của Reuters, ban hội thẩm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ sẽ xem xét, tranh luận hoặc thông qua một số sửa đổi với “Đạo luật đảm bảo sự tham gia và lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”, còn được gọi là Đạo luật Eagle trong một cuộc họp diễn ra vào chiều 30/6 (giờ địa phương).

Đường lối ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc là một trong số ít những vấn đề được lưỡng đảng Mỹ đồng thuận thực sự cho đến nay, trong bối cảnh quốc hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc - nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ hiện đều do Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden kiểm soát.

Đại diện Gregory Meeks, chủ tịch hội đồng Đối ngoại Hạ viện đã đưa ra Đạo luật Eagle vào tháng trước.

Sau USICA của Thượng viện, Hạ viện Mỹ thúc đẩy thêm một dự luật cạnh tranh với Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau USICA của Thượng viện, Hạ viện Mỹ thúc đẩy thêm một dự luật cạnh tranh với Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Trước đó, hôm 8/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên “Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ”, gọi tắt là USICA với tỷ lệ đồng thuận mạnh mẽ 68-32. Đạo luật này bao gồm khoản tài trợ 190 tỷ USD cho các điều khoản nhằm tăng cường khả năng nghiên cứu và đổi mới công nghệ của Mỹ. 54 tỷ USD khác được dùng để tăng cường nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn cũng như thiết bị viễn thông. 

Phạm vi dự luật USICA hướng đến nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ, phản ánh nhiều mặt trận đang nóng lên trong căng thẳng Mỹ Trung. Đây cũng có khả năng là một trong những sáng kiến thống nhất cuối cùng của lưỡng đảng Mỹ trong năm 2021, bằng chứng cho thấy vấn đề chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh là mối quan tâm chung của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ.

Các nhà lập pháp cùng đồng tình rằng nếu không nhanh chóng thúc đẩy ngành sản xuất chip hoặc xây dựng lại chuỗi cung ứng đất hiếm đang phụ thuộc vào Trung Quốc, nó có thể trở thành những tử huyệt khiến Mỹ gặp bất lợi trong thương chiến Mỹ Trung những năm tới đây.

Tiền thân của Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới là một đề xuất trước đây được sáng kiến bởi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Todd Young. Đề xuất này kêu gọi “đại tu” Quỹ khoa học Quốc gia, dành hàng chục tỷ USD cho quỹ này để phát triển các nghiên cứu khoa học giai đoạn 2022-2026, đồng thời thành lập Cục Công nghệ và Đổi mới.

Việc các nghị sĩ Mỹ thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới được ông Chuck Schumer ca ngợi là “thời điểm Thượng viện đặt nền tảng cho một thế kỷ mới mà Mỹ tiếp tục là nhà lãnh đạo toàn cầu”.

Các nhà lãnh đạo Hạ viện đã chọn không tham gia vào dự luật mà Thượng viện đã phê duyệt. Thay vào đó, các ủy ban trực thuộc Hạ viện đang làm việc để xây dựng dự luật của riêng họ, dù rằng quá trình này có thể phải mất hàng tháng trước khi dự luật được đệ trình lên Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Vào sáng 24/6, cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Biden Jake Sullivan đã có cuộc gặp gỡ các thành viên Hạ viện bao gồm Đại diện Michael McCaul, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban đối ngoại tại Nhà Trắng để thảo luận về “tầm quan trọng sống còn” của các sáng kiến cạnh tranh với Trung Quốc chẳng hạn như USICA hay đạo luật Eagle.


NTTD
Cùng chuyên mục