Sau vụ máy bay nguy cơ “giao cắt” tại sân bay Nội Bài, Cục Hàng không yêu cầu "nóng"

07/07/2023 10:44 GMT+7
Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng hàng không tuân thủ quy định khai thác tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Yêu cầu nêu trên của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra nhằm đảm bảo điều hòa khai thác, hạn chế tối đa trường hợp bay chờ, tiếp cận hụt hoặc chậm cất cánh, cũng như ảnh hưởng đến lưu thông và an toàn bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người lái máy bay cần tuân thủ nghiêm các quy định về thoát ly đường cất hạ cánh (CHC).

Trong đó, đối với đường CHC 25R, yêu cầu không quá 60 giây phải thoát ly đường lăn hoạt động P4 hoặc P5. Việc cắt ngang đường CHC không quá 45 giây (tính từ thời điểm máy bay tiến nhập vào và cắt đường CHC đến khi rời).

Các hãng hàng không cần tuân thủ những gì tại sân bay Tân Sơn Nhất? - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TA

Trong trường hợp không thể tuân thủ, người lái phải thông báo sớm cho Kiểm soát viên không lưu theo chi tiết quy định.

Ngoài ra, các hãng hàng không và người lái tàu bay cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về khống chế tốc độ khai thác, các giới hạn, hạn chế khai thác quy định trong AIP (Tập thông báo tin tức hàng không) và các tài liệu được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.

Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được văn bản của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam báo cáo về việc một số người lái của hãng hàng không chưa tuân thủ quy định về khống chế tốc độ, thời gian thoát ly đường CHC.

Thời gian cắt qua đường CHC và quy định về thông báo ATC (kiếm soát không lưu) trong trường hợp không thể tuân thủ các nội dung trên trong quá trình tiếp cận hạ cánh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất theo quy định.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có báo cáo về việc đang điều tra, xác minh làm rõ vụ việc máy bay nguy cơ “giao cắt” tại Cảng Hàng không, sân bay Nội Bài.

Cụ thể, vào khoảng 14h20 phút ngày 24/6, tại sân bay Nội Bài khi chuyến bay AIQ645 của Thai Air Asia lăn ra đầu đường băng chờ cất cánh đi Bangkok (Thái Lan) cũng có một chuyến bay khác của hãng hàng không trong nước nhận được lệnh hạ cánh xuống đường băng 11L (song song với 11R).

Sau khi kíp trưởng không lưu cấp huấn lệnh cho AIQ645 dừng chờ cất cánh, kiểm soát viên không lưu điều hành thay đổi phương án điều hành bay, cấp huấn lệnh cho tàu bay của hàng hàng không nội địa cắt qua đường CHC 11R theo đường lăn S8 và tổ lái của hãng này thực hiện. Sau đó cấp huấn lệnh cho máy bay khác hạ cánh đường CHC 11L.

Do tổ bay AIQ645 không nhắc lại huấn lệnh chờ khởi hành mà trước đó đã nhận được huấn lệnh cất cánh và thống nhất được huấn lệnh bay ra nên AIQ645 đã chạy đà cất cánh. Khi đó, cả kiểm soát viên không lưu điều hành và kíp trưởng đều không phát hiện ra tàu bay AIQ645 từ lúc thực hiện chạy đà cho đến thời điểm gần đến giao điểm giữa đường CHC 11R và đường lăn S4 nên không có hành động gì để xử lý tình huống.

Theo báo cáo của tổ bay AIQ645, thời điểm tàu bay AIQ645 nhấc bánh mũi và rời đất, tàu bay ở khoảng vượt qua giao điểm đường CHC 11R và đường lăn S5. Thời điểm này, máy bay của hãng hàng không trong nước ở giao điểm đường CHC 11R và đường lăn S8. Cự ly từ tim đường lăn S5 đến tim đường lăn S8 khoảng 1.680m. Do đó cự ly AIQ645 khi rời đất cách máy bay còn lại khoảng 1.500m.


Thế Anh
Cùng chuyên mục