"Sếp" BIDV: Quan điểm, nhìn nhận của cơ quan chức năng cũng gây khó cho các ngân hàng trong xử lý nợ
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đánh giá, sức hấp thụ vốn của ngành kinh tế năm 2024 dù đánh giá có khả quan nhưng dự kiến thì vẫn ở mức thấp. Một số động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp cũng như đầu tư tư nhân còn chậm. Hoạt động của một số doanh nghiệp còn gặp phải khó khăn, đặc biệt những vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh cũng như thị trường trái phiếu. Năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp lớn còn có vấn đề.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu, năng lượng tái tạo gặp phải các rủi ro pháp lý nên dẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng của ngân hàng.
Cũng theo Tổng Giám đốc BIDV, cơ cấu theo Thông tư 02 sẽ hết hạn vào 30/06/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp. Giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm, việc xử lý nợ xấu chậm do tính thanh khoản của thị trường bất động sản giảm sút.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn. Nghị quyết 42 cũng đã hết hiệu lực vào cuối năm 2023, nếu không có việc thay thế hoặc gia hạn sẽ làm chậm lại quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ chức ngân hàng. Trong khi đó, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn, cách thức thẩm định giá các khoản nợ. Do đó, có thể gây khó khăn, tiềm ẩn các rủi ro trong xử lý nợ xấu, đặc biệt trong bán nợ dưới giá nợ gốc.
Ngoài ra, việc phát mại, khởi kiện qua tòa thường kéo dài gây khó khăn, tốn kém thời gian chi phí trong xử lý nợ. Chưa kể, quan điểm, nhìn nhận của các cơ quan chức năng cũng gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tổng Giám đốc BIDV kiến nghị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý các dự án đầu tư, công trình để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có thể giải ngân. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, hỗ trợ thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu, cổ phiếu phát triển để tạo niềm tin đảm bảo kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Tổng Giám đốc BIDV cũng đề nghị Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 vốn đã hết hiệu lực từ năm ngoái. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ các địa phương cho phép chủ đầu tư dự án có thể chuyển đổi chủ đầu tư dự án hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét, ban hành quy định riêng về hoạt động phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng phù hợp hoạt động đặc thù của các tổ chức tín dụng. Bởi, cho đến nay hoạt động của các tổ chức tín dụng khác biệt nhiều so với các doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc BIDV còn đề xuất, Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 12/2024 thay vì 30/6 như hiện tại; Kiến nghị với hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư 06 về sửa đổi Thông tư 39.
Để các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá tín nhiệm tốt hơn khi ra quyết định cho vay, ông Lâm đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng cổng kết nối thông tin với Bộ Công an - nhất là Trung tâm ứng dụng dữ liệu dân cư theo chuẩn chung để các ngân hàng xây dựng kết nối, xếp hạng tín dụng.
"BIDV mong NHNN nghiên cứu tăng mức cho vay với phương tiện điện tử - đối với các khoản vay online có mức độ rủi ro thấp. Bên cạnh đó, xem xét không quy định bắt buộc các tổ chức tín dụng phải kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay với các khoản vay như thế này", ông Lê Ngọc Lâm nói.