Siết cho vay ngoại tệ: Doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng?
Như Etime đã đưa tin, hoạt động cho vay ngoại tệ của các ngân hàng sẽ đánh dấu thêm cột mốc nữa kể từ ngày mai (1/10), khi sẽ có thêm một đối tượng không còn được phép vay ngoại tệ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo như quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN.
Đây là Thông tư 42/2018/TT-NHNN (TT42) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, quy định về cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị?
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng lưu niệm, tặng phẩm từ các chất liệu tự nhiên, Công ty CP Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư là 1 trong số doanh nghiệp nằm trong đối tượng không được tiếp tục vay ngoại tệ trung và dài hạn theo TT42 của NHNN kể từ ngày mai (1/10). Điều này khiến cho bà Nguyễn Tú Anh, phó giám đốc Công ty như đang "ngồi trên lửa".
Bà Tú Anh cho biết, nếu như doanh nghiệp của bà không được vay ngoại tệ mà phải chuyển sang mua/bán ngoại tệ thì rất là "căng" cho doanh nghiệp. Hiện tại, dù có nguồn thu từ xuất khẩu song doanh nghiệp của bà vẫn đang phải vay ngoại tệ để nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu phụ kiện để kết hợp với sản phẩm trong nước để xuất khẩu như bao bì, túi nilông…
"Nếu được vay ngoại tệ trung và dài hạn, lãi suất chỉ vào khoảng 4%/năm. Trong khi đó, vay bằng VNĐ, mức chi phí lãi vay sẽ phải tăng gấp đôi. Như thế, chính sách này sẽ không còn khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi", bà Tú Anh chia sẻ.
Theo ước tính của vị lãnh đạo doanh nghiệp này, nếu không còn được vay ngoại tệ trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh thì tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp chúng tôi sẽ đội lên 35%. Một con số "rất cao" với doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay. Các đơn hàng của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Cũng phải nói thêm rằng, chỉ trong vòng vài năm qua, NHNN đã có đến 4,5 lần gia hạn việc cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp "nhờn" với chính sách.
Đến thời điểm hiện nay, dù đã được báo trước 9 tháng để doanh nghiệp có thể chuẩn bị và lên phương án tài chính cho mình song đến những "phút chót", doanh nghiệp vẫn hy vọng chính sách tiếp tục thay đổi.
"Nói thật là rất nhiều lần được gia hạn thêm. Đồng thời, những quy đinh tại TT42 cũng bị nhiều doah nghiệp phản đối nên bản thân các doanh nghiệp đều đặt niềm tin và mong mỏi được gia hạn cho vay ngoại tệ thêm thời gian nữa. Chính vì thế, đến hôm nay, doanh nghiệp không hề có sự chuẩn bị nào", vị phó Giám đốc thông tin thêm.
Tương tự, với một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi bày tỏ băn khoăn, "Không hiểu tại sao Chính phủ phải cấm cho vay ngoại tệ vì doanh nghiệp có nhập khẩu hàng hóa rồi lại xuất khẩu và mang ngoại tệ về. Doanh nghiệp vay bằng ngoại tế và trả bằng ngoại tệ.
Nếu cho vay ngoại tệ thì sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như chúng tôi bớt được 1 phần khó khăn để doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh. Có ngoại tệ không cho vay ngoại tệ thì ngân hàng để làm cái gì?".
"Nhà nước nói rằng, không cho vay để chuyển từ vay mượn sang mua bán để chống đô la hóa nhưng theo tôi lý do đó không có tính thuyết phục đối với doanh nghiệp. Có nhiều cách chống đô la hóa mà không nhất thiết phải hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ", vị này nhấn mạnh thêm.
Nói về sự chuẩn bị của doanh nghiệp để đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, ông Hùng thừa nhận, doanh nghiệp ông không thể làm gì ngoài chuẩn bị tâm lý rằng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ cao hơn trong thời gian tới.
"Chúng ta không làm được gì bởi đó là quy định thuộc về chính sách. Chính sách của Nhà nước, kiến nghị không được thì doanh nghiệp chỉ biết "cắn răng" mà chịu", ông Hùng bày tỏ bức xúc.
Siết cho vay ngoại tệ: Không chỉ nhìn về 1 mục tiêu
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng viện NCKH ngân hàng (học viện Ngân hàng) cho biết, ngoài mục tiêu giảm tình trạng đô la hóa của nền kinh tế Việt Nam, động thái siết cho vay ngoại tệ còn góp phần năng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ.
Thêm 1 điểm nữa, đó là góp phần ổn định hơn thị trường tài chính Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở cho sự phát triển lâu dài và bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng phải nói thêm rằng, khi quyết định đưa ra 1 chính sách, cơ quan quản lý sẽ phải cân đối hài hòa giữa nhiều mục tiêu, hài hòa lợi ích giữa các bên thay vì chỉ tập trung cho doanh nghiệp hay mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế.
"Tất nhiên doanh nghiệp nói rằng, tôi có nguồn thu ngoại tệ tôi trả được nhưng không phải lúc nào nguồn ngoại tệ của doanh nghiệp cũng về kịp thời. Sẽ có sự chênh lệch giữa dòng ngoại tệ vào và dòng ngoại tệ ra. Điều này làm "đột biến" nhu cầu mua bán trên ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của thị trường ngoại hối và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô" bà Phạm Hoàng Anh phân tích.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, đứng trên 1 nền kinh tế hoạt động đi vay và cho vay ngoại tệ chỉ áp dụng với những nền kinh tế đang trong giai đoạn mới bắt đầu. Nếu phát triển đến một độ nhất định nào đó, nền kinh tế mở cửa thì việc huy động và cho vay sẽ bị hạn chế. Hiện nay, các ngân hàng nước ngoài không có huy động và cho vay bằng ngoại tệ.
Vị này thừa nhận, việc không được vay ngoại tệ với lãi suất thấp có thể sẽ khiến cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên đôi chút. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải hoạt động 1 cách có hiệu quả hơn, quản trị tốt hơn để từ đó giảm bớt các chi phí khác. Đó cũng được coi là sự chuyển biến tích cực.