Siêu công ty vốn 144.000 tỷ được thành lập bằng thẻ căn cước giả

A.Vũ (t/h) Thứ sáu, ngày 08/05/2020 14:24 PM (GMT+7)
Siêu công ty có vốn 144.000 tỷ đồng - USC Interco - từng gây ồn ào suốt trong mấy tháng qua đã dùng căn cước công dân giả để thành lập công ty.
Bình luận 0

Thông tin trên được ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết tại buổi họp báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm qua (7/5). "Đây là vụ việc sai phạm cá nhân", ông Tuấn khẳng định.

Trước đó, vào tháng 2/2020, cộng đồng mạng "dậy sóng" trước thông tin Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong tháng 1/2020, có một doanh nghiệp mới đăng ký thành lập với số vốn cao không tưởng, lên đến 144.000 tỷ đồng. Đó là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco).

Siêu công ty vốn 144.000 tỷ được thành lập bằng thẻ căn cước giả - Ảnh 1.

Trụ sở siêu công ty 144.000 tỷ đồng.

USC Interco có trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Quy mô vốn đăng ký của USC Interco thậm chí cao hơn cả Viettel và chỉ đứng sau hai tập đoàn Nhà nước là PVN và EVN. 

Giám đốc công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979, với số thẻ căn cước 001079018541, là một trong ba cổ đông góp vốn. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng cục thuế, số căn cước này thuộc về một cá nhân khác tên Lê Văn Dũng.  Ông Phong góp 43.200 tỷ đồng.

Hai cổ đông còn lại là Nguyễn Hoàn Sơn đăng ký góp 57.600 tỷ, bà Kim Thị Phương góp 43.200 tỷ đồng.

USC Interco đã gây "chia rẽ" cộng đồng mạng vì những lời đồn đoán. Ai cũng cho rằng phải nhiều đại gia hàng đầu kết hợp với nhau với thành lập nên một công ty lớn đến như vậy. Tính theo vốn điều lệ, USC Interco "to" thứ ba tại Việt Nam.

Thế nhưng, báo chí nhanh chóng tìm ra sự thật đầy bi hài của các chủ nhân công ty. Theo đó, nữ cổ đông duy nhất tại USC Interco là bà Kim Thị Phượng thừa nhận mình sống bằng nghề giao nước khoáng, phải chạy ăn từng bữa. 

Hai cổ đông còn lại cũng không khả dĩ hơn. Người này cho biết hai cổ đông còn lại làm thủ tục đăng ký thành lập công ty khi "say rượu" nên mới có con số khổng lồ như vậy. Kết quả là các cổ đông thống nhất sẽ đóng cửa công ty.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một công ty khi được thành lập ra không phải muốn đóng cửa là được nếu công ty phát sinh các hoạt động mua bán, thuế má. Song, dù thành lập từ 17/1 nhưng USC Interco vẫn chưa đi vào hoạt động.

Đến ngày 14/4, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đã cấp cho USC Interco, chính thức "khai tử" doanh nghiệp này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem