"Siêu Ủy ban" không can thiệp việc thuộc thẩm quyền doanh nghiệp

Q.D Thứ ba, ngày 12/01/2021 09:56 AM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu, không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh công bằng với các thành phần kinh tế khác
Bình luận 0

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ( Siêu Uỷ ban) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ năm 2021.

Báo cáo tại hội nghị về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, đến nay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thành xử lý 233/259 việc chuyển giao từ các bộ; trong đó, năm 2020 hoàn thành xử lý 44 việc.

Nhiều chỉ tiêu cơ bản vượt kế hoạch giao

Đồng thời, Siêu Ủy ban cũng có nhiều tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về một số nội dung, đơn cử như quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Hàng hải; phê duyệt chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu của Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Đường sắt năm 2020 và giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản giai đoạn 2017-2020...

Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương, Siêu Ủy ban đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo và nắm tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Siêu Ủy ban" không can thiệp việc thuộc thẩm quyền doanh nghiệp - Ảnh 1.

SIêu Ủy ban hoàn thành “mục tiêu kép” trong năm 2020

Theo đó, các báo cáo, ý kiến tham mưu của Siêu Ủy ban đã làm rõ kết quả thực hiện xử lý của từng dự án, doanh nghiệp; phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng từng dự án, doanh nghiệp, đề xuất một số nội dung mới; có tính quyết liệt để xử lý nhanh hơn các dự án, doanh nghiệp; phương án xử lý phù hợp tình hình thực tế, theo cách tiếp cận sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Đến nay, trên cơ sở tham mưu của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách theo dõi của Ban Chỉ đạo.

Đặc biệt, với nỗ lực vượt khó, thực hiện “mục tiêu kép”, phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu cơ bản đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2020 đã đạt và vượt kế hoạch giao.

Tổng kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm chủ yếu năm 2020 của các doanh nghiệp đạt trên 1,3 tỷ USD; tổng doanh thu của 19 doanh nghiệp đạt trên 767 nghìn tỷ đồng, bằng 87,36% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 85,72% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế của 19 doanh nghiệp ước đạt trên 21 nghìn tỷ đồng, bằng 69,9% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 32,91% so với năm 2019. Tổng nộp ngân sách của 17/19 doanh nghiệp đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với kế hoạch năm 2020 và bằng 79,3% so với năm 2019.

Trong đó, một số doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao trong năm 2020 như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông (7,8%); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (20,3%); Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (8,9%); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (9,9%). 

Một số doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận so với năm 2019 cao như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (tăng 41,73%); Tập đoàn Bưu chính viễn thông (tăng 5,3%); Tập đoàn Công nghiệp cao su (tăng 5,1%).

Không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của  Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các doanh nghiệp.

Ủy ban và các doanh nghiệp đã nỗ lực phê duyệt và triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, là các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, năng lượng, các dự án có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty cần chủ động triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW, khóa XII, để xây dựng Ủy ban là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện tốt chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty; mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện đúng vai trò đại diện chủ sở hữu, không can thiệp vào các việc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Siêu Ủy ban" không can thiệp việc thuộc thẩm quyền doanh nghiệp - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ủy ban cần nhanh chóng phê duyệt chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tiến độ nhanh hơn, bảo đảm chất lượng hơn; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo.

Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp, không để tổn thất lớn và kéo dài như 12 dự án của ngành công thương thời gian qua.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Siêu Ủy ban nghiên cứu đề xuất phương thức hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các tập đoàn, tổng công ty và trong các doanh nghiệp thành viên đã cổ phần hóa nhằm khắc phục những bất cập nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo chỉ đạo của Đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và yêu cầu đổi mới chiến lược sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem